Theo hãng tin Reuters (Anh), vào tháng 2/2021, tàu Thiên Vấn 1 (Tianwen-1) đã tiếp cận thành công “Hành tinh Đỏ” trong sứ mệnh đầu tiên của của Trung Quốc trên hành tinh này. Kể từ đó, họ đã triển khai robot tự hành trên bề mặt sao Hỏa để làm nhiệm vụ tương tự một tàu quỹ đạo khảo sát hành tinh này từ không gian.
Trong số những bức ảnh chụp từ không gian có những bức ảnh đầu tiên về cực nam của sao Hỏa, nơi chứa hầu hết nước của hành tinh này.
Vào năm 2018, tàu thăm dò quỹ đạo do Cơ quan Vũ trụ châu Âu vận hành đã phát hiện ra nước dưới lớp băng ở cực nam của sao Hỏa. Việc phát hiện nước dưới bề mặt sao Hỏa được coi là “chìa khóa” để xác định tiềm năng duy trì sự sống của hành tinh, cũng như cung cấp nguồn tài nguyên lâu dài cho bất kỳ cuộc thám hiểm nào của con người ở đó.
Ngoài ra, Thiên Vấn 1 cũng thu được các hình ảnh khác, bao gồm ảnh chụp hẻm núi Valles Marineris dài 4.000 km và các hố va chạm ở vùng cao nguyên phía bắc sao Hỏa, nơi được gọi là Arabia Terra - nơi duy nhất có bằng chứng về núi lửa phun trào trên sao Hỏa.
Thiên Vấn 1 cũng gửi về hình ảnh có độ phân giải cao chụp rìa của miệng núi lửa Maunder rộng lớn, cũng như hình chụp từ trên xuống của Ascraeus Mons cao 18.000 mét. Đây là một ngọn núi lửa hình khiên lớn lần đầu tiên được tàu vũ trụ Mariner 9 của NASA phát hiện cách đây hơn 5 thập niên.