Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria tại một phiên họp Quốc hội ở Madrid. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuyên bố trên được đưa ra trước khi Thượng viện Tây Ban Nha ngày 27/10 tiến hành xem xét thông qua các biện pháp mạnh mẽ cho phép chính quyền trung ương giành quyền kiểm soát trực tiếp đối với vùng lãnh thổ Catalonia, trong đó có áp dụng Điều 155 Hiến pháp để thu hồi quyền tự trị của Catalonia.
Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria nêu rõ: "Chúng tôi muốn mở ra một giai đoạn mới trong đó luật pháp phải được tuân thủ", trước hết là đối với việc Catalonia tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trái pháp luật hôm 1/10 vừa qua.
Bà cũng nêu rõ Chính phủ Tây Ban Nha có nghĩa vụ "giải cứu Catalonia" và đưa "trật tự pháp luật" trở lại vùng lãnh thổ này.
Trước đó, Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont ngày 26/10 tuyên bố sẽ không kêu gọi bầu cử sớm tại vùng lãnh thổ này, đồng thời cho biết "nghĩa vụ" của ông là tìm ra một giải pháp có thể đàm phán đối với cuộc khủng hoảng "nhằm tránh việc thi hành Điều 155 ảnh hưởng tới thể chế của vùng". Ông này cũng nhấn mạnh quyết định hiện tại phụ thuộc vào cơ quan lập pháp vùng Catalonia.
Theo giới phân tích, một cuộc bầu cử sớm thay cho tuyên bố độc lập đơn phương sẽ là một hướng đi giúp Catalonia tránh việc Madrid thực hiện Điều 155 Hiến pháp cũng như xoa dịu căng thẳng với chính quyền trung ương và giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất tại Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ qua.
Trong một động thái khác được xem là nhằm phản đối khả năng Thủ hiến Catalonia tuyên bố độc lập cho vùng lãnh thổ này, ngày 26/10, Bộ trưởng phụ trách các doanh nghiệp vừa của Catalonia, ông Santi Vila đã thông báo từ chức. Ông Vila nói: "Tôi từ chức do nỗ lực đàm phán của tôi thất bại".
Theo nhật báo La Vanguardia, trước đó, ông Vila, 44 tuổi, đã phản đối việc Catalonia tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Tây Ban Nha và ủng hộ việc kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử sớm nhằm chọn ra cơ quan lập pháp mới thay thế.