Bà Arancha Gonzalez Laya nói với đài phát thanh Canal Sur rằng: "Đây là một thỏa thuận mà chúng tôi đã đàm phán với Anh trong vài tháng qua trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng". Mục đích là thiết lập một khuôn khổ bao gồm mọi vấn đề từ cuộc chiến chống các nhóm khủng bố, an ninh mạng, các nhiệm vụ quân sự chung. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha còn hy vọng đưa cả vấn đề liên quan vùng lãnh thổ Gibraltar vào trong thỏa thuận này.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha nhấn mạnh thêm rằng: "Sự hợp tác của chúng tôi rất rộng và những gì chúng tôi muốn là cung cấp một 'chiếc ô' đối với quan hệ đối tác này càng rộng càng tốt, điều đó cũng sẽ giúp tăng cường mối quan hệ song phương trong tương lai".
Trước đó, ngày 31/12, vài giờ trước khi Anh kết thúc giai đoạn quá độ sau khi rời "ngôi nhà chung", Tây Ban Nha và Anh đã đạt được thỏa thuận duy trì mở cửa biên giới vùng lãnh thổ Gibraltar. Theo bà Gonzalez Laya, Gibraltar, vùng đất hải ngoại của Anh nằm ở gần cực Nam bán đảo Iberia, vẫn sẽ là một phần trong các thỏa thuận của EU như khu vực Schengen. Trước đó, vấn đề Gibraltar không nằm trong thỏa thuận thương mại hậu Brexit mà Anh và EU đạt được vào tuần trước.
Tây Ban Nha đã trao quyền kiểm soát vùng lãnh thổ Gibraltar cho Anh theo Hiệp ước Utrecht năm 1713, nhưng vẫn tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất này. Gibraltar nằm ở cực Nam Tây Ban Nha và hằng ngày có khoảng 15.000 người đi lại từ Tây Ban Nha đến Gibraltar. Việc đạt được thỏa thuận này đã giúp hai bên tránh phải thiết lập hệ thống kiểm soát biên giới giữa vùng này với phần còn lại của Tây Ban Nha.