Theo trang tin Oilprice.com, EU mới đây đã quyết định cấm than của Nga, đưa ra thời hạn cuối cùng vào tháng 8 tới để cho phép người mua chuẩn bị.
Trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, thế giới đã phải vật lộn do sự siết chặt nguồn cung năng lượng toàn cầu. Giờ đây, khi các cường quốc trên thế giới tìm cách làm tê liệt nền kinh tế Nga do chiến dịch quân sự của Moskva, họ cho rằng các biện pháp trừng phạt năng lượng sẽ là một phần cần thiết của phản ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt cũng đang gây ra những tác động lớn về kinh tế khi việc hạn chế dầu, than và khí đốt của Nga khỏi thị trường năng lượng thế giới khiến nhiều nước châu Âu và châu Á phải tranh giành các nguồn nhiên liệu mới.
Trên thực tế, mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của châu Âu do các lệnh trừng phạt Nga gây ra đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu bế tắc trong việc thống nhất về cách thức tiến hành, lĩnh vực nào và mức độ tẩy chay ra sao. Không thể đạt được một thỏa thuận chung về cấm dầu và khí đốt của Nga, vốn cung cấp gần một nửa năng lượng nhập khẩu của châu Âu, EU đã đồng ý cấm than của Nga, dự kiến bắt đầu vào tháng 8/2022. Mặc dù đây có vẻ là một nỗ lực yếu ớt và muộn màng, nhưng động thái tương đối nhỏ này sẽ khiến châu Âu đối mặt với thách thức trong việc tìm kiếm 40 triệu tấn than thay thế.
Những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19 và sự thắt chặt nguồn cung năng lượng toàn cầu đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới quay trở lại dùng than khi giá dầu và khí đốt tăng chóng mặt. Điều này có nghĩa là việc ngăn chặn thế giới ngừng nhập khẩu than của Nga sẽ là một thách thức lớn hơn đối với các quốc gia châu Âu và châu Á vốn đã tăng cường tiêu thụ than của họ trong những tháng gần đây. Riêng năm 2021, nhập khẩu than từ Nga của châu Âu đã tăng 22,4%. Giá than đã gần ở mức cao kỷ lục và việc châu Âu tẩy chay vào tháng 8 tới sẽ khiến giá than tăng cao hơn nữa.
Với lệnh trừng phạt trên, hiện các khách hàng châu Âu đã bắt đầu chuyển hướng khỏi than của Nga đồng thời tích cực tìm kiếm nguồn than mới.
Nhưng EU không phải là khối kinh tế duy nhất đang tranh giành để tìm nguồn than mới. Nhiều quốc gia châu Á cũng sẽ tìm kiếm các mặt hàng nhập khẩu không phải của Nga. Đáng chú ý, Nhật Bản gần đây cũng tuyên bố rằng họ sẽ cấm nhập khẩu than của Moskva. Điều này có nghĩa là một số nhà tiêu thụ than lớn nhất thế giới sẽ phải cạnh tranh trong một thị trường vốn đã eo hẹp nguồn cung để tìm kiếm nhà cung cấp mới.
Trong khi đó, các nhà xuất khẩu than hàng đầu thế giới là Australia và Indonesia đã đạt đến giới hạn sản lượng và Nam Phi, một nhà sản xuất than lớn khác, đang đối mặt với các vấn đề hậu cần trong chuỗi cung ứng than của chính họ.
Kết quả là EU có thể hướng sang Mỹ hoặc Colombia để nhập khẩu than vào tháng 8. Đức, Ba Lan và Séc có thể tăng mức sản xuất trong nước của họ. Trung Quốc cũng sẽ tăng mức sản xuất ồ ạt. Mặc dù Bắc Kinh sẽ không xuất khẩu than sản xuất trong nước, nhưng việc tăng sản lượng sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu quốc tế, do đó giải phóng một số nguồn cung trên thị trường toàn cầu cho các quốc gia khác đang tranh giành nguồn cung.