Người phát ngôn của CCSA, Tiến sĩ Taweesin Visanuyothin cho biết trong những ngày tới, giới chức nước này sẽ thảo luận về giai đoạn 3 nới lỏng phong tỏa và sẽ ra quyết định vào ngày 29/5 tới để có hiệu lực vào ngày 1/6. Theo ông, cuộc thảo luận sẽ tập trung đánh giá các loại hình kinh doanh sẽ được phép hoạt động trở lại. Ông nêu rõ những hoạt động kinh doanh sẽ không được phép mở cửa trở lại là những hoạt động tiềm ẩn rủi ro cao như câu lạc bộ đêm, hay bất kỳ hoạt động kinh doanh nào có liên quan tới tiếp xúc cơ thể.
Thái Lan đã bắt đầu giai đoạn 1 và 2 của tiến trình nới lỏng phong tỏa lần lượt từ ngày 3/5 và 17/5 với việc mở cửa trở lại các trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa, ngân hàng, trung tâm làm đẹp, nhà thuốc và các tổ chức chính phủ... Trong khi đó, các loại hình kinh doanh khác vẫn chưa được hoạt động trở lại như vườn thú, công viên giải trí, công viên nước, trung tâm triển lãm, spa...
Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Thái Lan đang ghi nhận đà giảm tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan vẫn quyết định kéo dài tình trạng khẩn thêm một tháng cho tới ngày 30/6.
Cùng ngày, Thái Lan thông báo không ghi nhận thêm ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và ca tử vong nào trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay quốc gia Đông Nam Á này đã xác nhận tổng cộng 3.037 ca mắc COVID-19, trong đó có 56 ca tử vong; 2.910 bệnh nhân đã được chữa khỏi và hiện chỉ còn 71 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện.
Trong khi đó, ngày 22/5, Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia cho biết tình trạng khẩn cấp do đại dịch sẽ được duy trì sau ngày 29/5.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong một tuyên bố, người đứng đầu lực lượng này, Doni Monardo, cho biết hiện Tổng thống Joko Widodo đã ký ban hành Sắc lệnh Tổng thống số 12/2020 ngày 13/4 về việc công bố tình trạng khẩn cấp cho thảm họa phi tự nhiên COVID-19. Do vậy, nếu sắc lệnh này chưa được thu hồi, tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực.
Cũng theo ông Doni, việc duy trì tình trạng khẩn cấp phụ thuộc nhiều vào hai yếu tố chính. Một là, dịch bệnh tiếp tục gây thiệt hại về sinh mạng, tổn thất vật chất, lây lan rộng hơn và gây tác động đối với lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hai là, tình hình thế giới sau khi Tổ chức Y tế thế giới ban hành tình trạng đại dịch toàn cầu. Ông Doni khẳng định rằng trong bối cảnh đại dịch toàn cầu vẫn chưa kết thúc và chưa phát hiện ra vaccine cũng như các phương pháp chữa trị, việc duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia vẫn là điều cần thiết nhằm bảo vệ người dân trước dịch bệnh.
Tuy nhiên, quan chức này cũng đồng thời đề nghị nới lỏng các hạn chế xã hội tại 124 thành phố và khu vực không có trường hợp mắc COVID-19 nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Theo ông, 124 thành phố và khu vực của nước này thực sự có thể đủ điều kiện để mở rộng hoạt động, nhất là những hoạt động hỗ trợ kinh tế. Ông cho biết một số thành phố và khu vực không có ca mắc COVID-19 do vị trí địa lý và đông đảo người dân tuân thủ lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, ông sẽ lắng nghe quan điểm của giới chức các thành phố và khu vực này đối với đề nghị này.
Trong ngày 22/5, số ca mắc COVID-19 tại Indonesia là 634 ca, giảm so với mức kỷ lục 973 ca trong ngày 21/5. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia ghi nhận 20.796 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.326 ca tử vong.