Giám đốc bộ phận kiểm soát dịch bệnh khẩn cấp và nguy cơ đối với sức khỏe thuộc Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan Chawetsan Namwat đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong các cuộc họp mặt gia đình.
Theo ông, các gia đình nên ăn mừng một cách an toàn bằng cách sử dụng các cuộc gọi video để giảm gặp mặt trực tiếp, đặc biệt là với những người cao tuổi nằm trong nhóm có nguy cơ. Mọi người nên đeo khẩu trang khi nói chuyện, hoặc sử dụng các ứng dụng trò chuyện có tính năng gọi video để giảm tiếp xúc trực tiếp.
Theo ông Chawetsan, người dân sẽ vẫn phải tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cho đến khi có được khả năng miễn dịch cộng đồng. Việc xét nghiệm chủ động sẽ tiếp tục mặc dù số lượng các ca mắc COVID-19 đã bắt đầu giảm.
Thái Lan ngày 7/2 ghi nhận thêm 237 ca mắc COVID-19, nâng tổng số các ca bệnh ở nước này kể từ đại dịch bùng phát đến nay lên 23.371 ca, trong đó có 79 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận có 112 ca được phát hiện theo chiến dịch chủ động xét nghiệm, 113 ca được phát hiện trong các bệnh viện và 12 ca nhập cảnh. Cho tới nay, có 14/77 tỉnh, thành ở Thái Lan đã không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong thời gian 7 ngày từ ngày 31/1.
Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia (NIDA) được công bố ngày 7/2 cho thấy phần lớn người dân Thái Lan hài lòng với cách xử lý của Chính phủ đối với làn sóng COVID-19 thứ hai, nhưng gần 1/4 dân số không muốn tiêm chủng.
Cuộc thăm dò được thực hiện bằng phỏng vấn qua điện thoại đối với 1.315 người từ 15 tuổi trở lên, có trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau trong cả nước từ ngày 1-3/2. Khi được hỏi họ sẽ làm gì liên quan đến việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, 63,12% cho biết sẽ chấp nhận tiêm vaccine miễn phí do Chính phủ cung cấp, nhưng gần 1/4 (23,57%) nói rằng họ không muốn tiêm vaccine. Ngoài ra, 7,98% muốn tiêm vaccine ở bệnh viện tư được phép của Chính phủ bằng chi phí của riêng họ, trong khi 5,33% không có bình luận hoặc không quan tâm.
Về mức độ hài lòng đối với cách xử lý của Chính phủ trong làn sóng COVID-19 thứ hai, 27,6% rất hài lòng và 42,13% hài lòng ở mức độ vừa phải, nói rằng các biện pháp đã được thực hiện nhanh chóng để ngăn chặn dịch và các khu vực được phân loại rõ ràng để chỉ ra mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát
* Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trong thông báo chiều 7/2, Bộ Thống nhất Malaysia cho biết Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) đã quyết định cho phép tổ chức các bữa tiệc đoàn viên trong dịp Tết Nguyên đán. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp của NSC do Bộ trưởng Cao cấp phụ trách vấn đề An ninh kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob chủ trì.
Cụ thể, các bữa tiệc đoàn viên này chỉ được tổ chức vào ngày 11/2 với tối đa 15 người, trong đó các thành viên phải đảm bảo điều kiện sống cách nhau trong phạm vi 10 km và không được đi lại liên quận hoặc liên bang.
Cùng với đó, các hoạt động tôn giáo tại các ngôi chùa và địa điểm thờ cúng cũng được phép tổ chức vào ngày các 11, 12 và 19/2 với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt quy định hoạt động tiêu chuẩn (SOP).
Trước đó, ngày 4/2, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ông Ismail Sabri Yaakob tuyên bố các bữa tiệc đoàn viên trong dịp Tết Nguyên đán chỉ được phép tổ chức giữa các thành viên trong cùng một nhà trong khi chỉ 5 thành viên trong ban quản trị các ngôi chùa được phép hoạt động, tổ chức các hoạt động tế tự, nghi thức tôn giáo trong thời gian này. Nhà chức trách Malaysia cũng cấm các hoạt động đến nhà nhau thăm hỏi ngày Tết cũng như các hoạt động đón mừng Năm mới tại địa phương.
Tình hình dịch COVID-19 tại Malaysia vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 7/2, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 3.731 ca mắc mới cùng 15 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 242.452 người trong đó có 872 ca tử vong. Đáng chú ý, hiện số ca dương tính hiện ở mức cao với 51.241 người, gây sức ép lớn lên hệ thống y tế Malaysia.