Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết phát biểu tại EAS lần thứ 16 diễn ra dưới hình thức trực tuyến ngày 27/10, Thủ tướng Prayut nhấn mạnh Thái Lan luôn coi trọng việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông và sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy hợp tác dựa trên các nguyên tắc 3M, đó là tin cậy lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Theo ông Prayut, Thái Lan cũng ủng hộ hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên và hy vọng sẽ thấy được tiến bộ trong đối thoại và hợp tác hướng tới một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Thái Lan cũng khẳng định lại lập trường của nước này dựa trên các nghĩa vụ theo những công cụ khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN) và Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), đồng thời khuyến khích tất cả các bên tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ theo các thỏa thuận quốc tế liên quan đến hạt nhân, bao gồm cả Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Thái Lan không mong muốn thấy xung đột và đối đầu giữa các nước bạn bè của Thái Lan và ASEAN, đồng thời chân thành tin tưởng rằng mọi quốc gia trên thế giới đều có chung mục tiêu cơ bản là làm cho đất nước của mình và thế giới hòa bình và bình yên, cũng như giúp đỡ người dân hạnh phúc và sống hòa thuận nhất có thể.
Theo người đứng đầu Chính phủ Thái Lan, các quốc gia hiện phải đối mặt với nhiều thách thức chung, trong đó có biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thiên tai, chuyển đổi số và công nghệ và an ninh mạng. Chính vì vậy, đồng cảm, hiểu biết lẫn nhau, quan hệ đối tác và đoàn kết là những chìa khóa quan trọng để mở ra cánh cửa dẫn đến tồn tại một cách bền vững.
Thái Lan kỳ vọng một cơ hội quan trọng cho EAS, với tư cách là một diễn đàn chiến lược do các nhà lãnh đạo dẫn dắt để đối thoại giữa các quốc gia, nhằm tổng hợp nhiều tiềm năng, thế mạnh và sự xuất sắc để quản lý thành công những thách thức chung đó. Tuy nhiên, EAS cần chuyển đổi mô hình từ tập trung vào cạnh tranh có thể mang lại chiến thắng tạm thời, sang hướng tới hợp tác để tạo ra chiến thắng lâu dài cho tất cả. Hợp tác cùng có lợi và lấy con người làm trung tâm có thể được xây dựng trên cơ sở tăng cường an ninh con người, đặt nền tảng và định hướng phục hồi kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững.
Theo Thủ tướng Prayut, COVID-19 nhắc nhở tất cả rằng an ninh y tế công cộng là mục tiêu cơ bản hàng đầu trong sinh kế của người dân. Do đó, tiếp cận công bằng và phân phối nhanh vaccine, nghiên cứu và phát triển về vaccine và thuốc kháng virus, cũng như nâng cao năng lực y tế và sức khỏe cộng đồng để ứng phó với các thách thức về y tế công cộng hiện tại và trong tương lai thông qua trao đổi kiến thức liên quan, kỹ năng, công nghệ và đổi mới, là những lĩnh vực hợp tác cần được chú trọng hàng đầu. Trong khi đó, sức khỏe tâm thần của người dân thuộc tất cả các nhóm cũng cần được chăm sóc đúng cách. Thái Lan sẵn sàng mở rộng hợp tác toàn diện để thực hiện Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo EAS về Hợp tác sức khỏe tâm thần hướng tới các kết quả rõ ràng.
Một ưu tiên hàng đầu khác là phục hồi kinh tế - xã hội bền vững và xây dựng khả năng phục hồi lâu dài. Thái Lan sẵn sàng làm việc với các nước tham gia EAS trong việc thực hiện Khuôn khổ Phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) và các hiệp định kinh tế khác hướng tới các kết quả cụ thể. Ngoài ra, Thái Lan cam kết tận dụng sự đổi mới và công nghệ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng. Thái Lan cũng sẵn sàng làm việc hướng tới khôi phục đi lại và du lịch của người dân bằng cách thực hiện Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo EAS về tăng trưởng kinh tế thông qua phục hồi du lịch mà Thái Lan là nước đồng bảo trợ.
Thủ tướng Thái Lan khẳng định nước này sẵn sàng làm việc với mọi quốc gia nhằm thực hiện Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo EAS về Phục hồi Bền vững, đồng thời cam kết đẩy mạnh vai trò chủ động trong việc thúc đẩy tính bền vững ở mọi khía cạnh, bao gồm cả việc sử dụng Mô hình Kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG). Ngoài ra, Thái Lan sẵn sàng đóng góp mang tính xây dựng hướng tới tăng cường hợp tác quốc tế về những thách thức toàn cầu như bảo vệ môi trường, giải quyết biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai.
Tham dự EAS lần thứ 16 có các nhà lãnh đạo và đại diện của các quốc gia thành viên ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ, cũng như các Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).