Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh đợt bùng phát gần đây của dịch COVID-19 lây lan từ các quán rượu và câu lạc bộ ở khu vực Thong Lor của thủ đô Bangkok.
Người phát ngôn CCSA Taweesin Visanuyothin cho biết biện pháp này sẽ có hiệu lực từ sau nửa đêm 10/4 cho tới ít nhất ngày 23/4. Các ủy ban về bệnh truyền nhiễm ở mỗi tỉnh cũng có thể yêu cầu CCSA cho phép giảm bớt những hạn chế nếu họ cho rằng tình hình COVID-19 ở đó đang được kiểm soát.
Trước khả năng Thái Lan phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba trong khi nhiều bệnh viện thông báo sắp hết giường bệnh, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng thành lập các bệnh viện dã chiến dành cho hơn 3.000 bệnh nhân ở Bangkok và các vùng phụ cận.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Kongcheep Tantrawanich, các nhân viên y tế đã được bổ sung cho 10 đơn vị quân đội để hỗ trợ các bệnh viện dã chiến. Hiện quân đội đang xem xét sử dụng một doanh trại quân đội làm bệnh viện dã chiến để đề phòng trường hợp tình hình xấu đi và các ca lây nhiễm lan rộng.
Trước đó, Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang cũng cho biết chính quyền thành phố đang lên kế hoạch thành lập các cơ sở dã chiến để điều trị bệnh nhân COVID-19 tại ít nhất 2 bệnh viện.
Thủ đô Bangkok của Thái Lan hiện đang là tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 mới, chiếm gần một nửa số ca mắc mới được CCSA ghi nhận trong ngày 9/10 với 2 trên tổng số 559 ca mới. Cũng trong ngày 9/4, CCSA đã thông báo thêm 1 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch bệnh này lên 96 người. Cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 30.869 ca bệnh.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã tăng cường làm vệ sinh tại các địa điểm và cơ sở công cộng. Các nhân viên của BMA sẽ dọn dẹp đường sá, hè phố, cầu vượt dành cho người đi bộ, bến xe buýt, khu vực nghỉ ngơi của hành khách và các văn phòng chính quyền để đảm bảo an toàn cho người dân. Ngoài ra, BMA cũng sẽ tổ chức một chiến dịch làm sạch tại các bệnh viện công trong thành phố nhằm đảm bảo sự an toàn của người dân khi đến khám chữa bệnh.
* Cùng ngày, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết sẽ lùi thời điểm mở cửa trở lại các trường trung học cơ sở tới ngày 10/5, tức là thêm 3 tuần nữa, sau khi giáo viên và học sinh đề nghị chưa mở cửa lại trường học do lo ngại dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, ông không đề cập đến việc mở cửa lại các trường tiểu học cơ sở.
Phát biểu trên đài phát thanh nhà nước, Thủ tướng Orban bày tỏ hy vọng cho đến ngày 19/4 sẽ có 3,5 triệu người trong tổng số 10 triệu dân của nước này sẽ được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, để nước này có thể nới lỏng hơn các biện pháp hạn chế.
Hungary ngày 7/4 đã bắt đầu dần mở cửa trở lại các cửa hàng và dịch vụ sau khi 25% dân số nước này đã được tiêm phòng COVID-19. Tuy nhiên, các bệnh viện vẫn chật cứng bệnh nhân COVID-19.
Hungary đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế sau khi đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng với quyết tâm không để rơi vào suy thoái kinh tế trong năm 2021, trong bối cảnh nước này sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào năm 2022.
Theo Đại học Johns Hopkins, Hungary đã nhập số lượng vaccine ngừa COVID-19 nhiều nhất trong Liên minh châu Âu (EU) tính theo đầu người. Tuy nhiên tỷ lệ số ca tử vong trên đầu người theo ngày của Hungary cũng ở mức cao nhất thế giới.