Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan nêu rõ Bộ Giáo dục sẽ thay đổi các phương pháp học để phù hợp với hoàn cảnh cho tất cả các cấp trong năm học 2020.
Phát biểu sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Giáo dục Nataphol Teepsuwan cho biết các lớp học sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến. Bộ Giáo dục sẽ chuẩn bị các lớp học trực tuyến, tính đến những khả năng và khó khăn của từng địa điểm. Tuy nhiên, ông Nataphol không nói rõ khi nào các lớp học trực tuyến sẽ bắt đầu.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana xác nhận nội các nước này đã thông qua 3 sắc lệnh liên quan đến hỗ trợ nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như lĩnh vực tài chính chịu tác động của COVID-19 với trị giá 1.900 tỷ baht (tương đương 58 tỷ USD). Các biện pháp bao gồm hỗ trợ dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho dân làng và người nông dân, phục hồi kinh tế địa phương với khoản tiền 1.000 tỷ baht (30,54 tỷ USD) từ các quỹ vay mượn.
Trong một biện pháp khác, Ngân hàng Thái Lan sẽ cấp 500 tỷ baht (tương đương 15,27 tỷ USD) dưới dạng các khoản vay hoặc giãn nợ 6 tháng cho các doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng của COVID-19. Theo kế hoạch, Quỹ bình ổn thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp sẽ được thành lập với số vốn khoảng 400 tỷ baht (12,21 tỷ USD) do ngân hàng trung ương Thái Lan cấp và quản lý.
Thái Lan ngày 7/4 đã công bố thêm ca nhiễm và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên lần lượt là 2.258 ca và 27 ca. Số liệu này cho thấy số ca nhiễm mới tại Thái Lan đang có xu hướng giảm so với 51 ca trong ngày 6/4 và 102 ca trong ngày 5/4. Trong số các ca nhiễm tại Thái Lan, có 1.408 người đang được điều trị và 824 bệnh nhân đã bình phục và được xuất viện.
* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét gia hạn lệnh giới nghiêm toàn quốc theo đề nghị của nhiều bang và các chuyên gia.
Trước đó, ngày 6/4, Thủ hiến bang Telegana K Chandrashekhar Rao đã kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi kéo dài lệnh giới nghiêm thêm 21 ngày sau khi kế hoạch hiện tại sẽ kết thúc vào ngày 14/4 tới. Thủ hiến Rao cho rằng việc ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan là rất khó với cơ sở y tế nghèo nàn. Cùng chung quan điểm này, các quan chức cấp cao của bang Uttar Pradesh, Punjab và Maharashtra đã kêu gọi lùi thời điểm kết thúc lệnh phong tỏa.
Trong khi đó, các chuyên gia tại Ấn Độ cũng nhận định rằng phong tỏa là biện pháp phòng ngừa cần thiết giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
* Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ dân số Malawi, ông Jappie Mhango ngày 7/4 cho biết nước này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm virus SARS-CoV-2. Ca tử vong đầu tiên này là một phụ nữ Malawi 51 tuổi, vừa từ Anh về nước.
Cũng theo Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ dân số Malawi, nước này đã có thêm 3 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 8 ca chỉ trong vòng 5 ngày kể từ khi có 3 ca đầu tiên vào ngày 2/4.
* Trong khi đó, tại Zimbabwe, cảnh sát nước này cùng ngày cho biết đã bắt giữ trên 2.000 người vì vi phạm các quy định về cách ly trong thời gian 21 ngày nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
* Tại Benin, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, chính quyền nước này đã ban hành quy định yêu cầu người dân tại những thành phố lớn và các thị trấn phải đeo khẩu trang.
Theo giới chức Benin, quy định này được áp dụng đối với 12 khu vực, trong đó có thủ đô Porto Novo và Cotonou, thành phố lớn nhất của nước này và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8/4. Ngoài ra, việc đi lại tại những khu vực trên cũng đã bị cấm cùng với việc hạn chế tụ tập và các phương tiện vận tải công cộng, cũng như đóng cửa các quán rượu.