Người nông dân trồng lúa ở các tỉnh Phatthalung và Trang ở miền Nam, cũng như ở tỉnh Phayao ở miền Bắc, Thái Lan đã thành công trong việc phát triển các sản phẩm từ gạo cao cấp, độc đáo mà người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn. Họ hy vọng rằng một ngày nào đó có thể dựa vào gạo để tạo ra thu nhập đáng kể và bền vững, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà Jaranjit Phengrat, một chuyên gia nông nghiệp tại Cục Lúa gạo, cho biết các giống lúa bản địa là một phần thiết yếu trong chiến lược phát triển lâu dài của ngành lúa gạo Thái Lan. Theo bà Jaranjit, các tỉnh Phatthalung và Trang ở phía Nam có rất nhiều giống lúa địa phương, bao gồm 182 giống lúa hạt ngắn và 14 giống lúa nếp, nhiều giống trong số đó đã được chứng nhận là sản phẩm GI. Một trong số những giống lúa nổi tiếng nhất là Khao Sang Yod đến từ các huyện Phatthalung và Khao Bao Yod Muang, tỉnh Trang.
Cục Lúa gạo đã hỗ trợ các doanh nghiệp cộng đồng ở miền Nam thông qua việc cung cấp cây giống lúa, kiểm tra chất lượng thường xuyên, thông tin chi tiết về yêu cầu đóng gói cũng như hỗ trợ đảm bảo các kênh phân phối thay thế.
Trong khi đó, bà Kanokon Yaodam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lúa gạo tại Phatthalung, cho biết trung tâm đã phân phối khoảng 18 tấn hạt giống lúa Khao Sang Yod vào năm ngoái và 23 tấn vào năm nay do nhu cầu tăng. Một số được trồng hữu cơ quanh lưu vực hồ Songkhla, theo các biện pháp canh tác nông nghiệp tốt (GAP) để đảm bảo chất lượng cao.
Theo một doanh nghiệp chuyên trồng giống lúa Khao Sang Yod bằng phương pháp hữu cơ với diện tích 970 rai (155 hecta), giống này cho năng suất trung bình khoảng 400 kg/rai, giá gạo đạt 27.000 baht (790 USD)/tấn, cao hơn nhiều so với gạo trồng thông thường, với giá bán trung bình khoảng 14.000 baht (410 USD)/tấn.
Bà Kanokon cho biết Trung tâm Nghiên cứu lúa gạo đã thu thập hơn 100 giống lúa bản địa từ khắp miền Nam Thái Lan để bảo tồn và lưu giữ. Một số hạt giống đã được trồng tại cánh đồng nghiên cứu của trung tâm, vì vậy trung tâm có thể cung cấp thêm hạt giống cho nông dân địa phương. Trung tâm cũng gửi một số hạt giống đến ngân hàng lúa gạo ở tỉnh Pathum Thani và Đan Mạch để bảo tồn bộ gen lúa.
Các tỉnh phía Bắc Thái Lan cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển các sản phẩm cao cấp từ lúa địa phương được trồng ở vùng núi. Một trong những ví dụ là một doanh nghiệp hợp tác xã trồng lúa ở huyện Chun thuộc tỉnh Phayao. Ông Chunyanut Phrawisat, người đứng đầu doanh nghiệp, cho biết năm ngoái, doanh nghiệp đã sản xuất 50 tấn gạo thơm, gạo lứt, gạo thơm đỏ, gạo nếp đen và gạo berry, giúp tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho cộng đồng.
Ngoài giống lúa kể trên, Thái Lan còn có thêm một số giống lúa địa phương có thể được nâng cao chất lượng. Ví dụ, ông Wisoot cho biết, ở tỉnh Phatthalung người dân đang ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng giá trị đối với gạo hữu cơ cao cấp, bằng cách biến nó thành các sản phẩm khác có thể được tiếp thị ngoài các kênh bán lẻ và bán buôn truyền thống.
Gạo Khao Sang Yod cũng đã được phát triển thành cháo ăn liền, bột làm bánh pizza, đồ ăn vặt từ gạo, dầu gội đầu, xà phòng và các loại mỹ phẩm khác. Trong khi đó, Doanh nghiệp Nông dân sản xuất gạo La-san Samakkhi ở tỉnh Trang cũng sản xuất sữa gạo, bột để làm bún và bánh quy gạo ngũ cốc bằng gạo Khao Bao Yod Muang hữu cơ được chứng nhận GI và được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Nhiều loại đồ ăn nhẹ cao cấp bao gồm bánh gạo phủ sôcôla giòn, bánh quy gạo, ngũ cốc protein whey và bột gạo hữu cơ cũng đã được sản xuất từ nhiều loại gạo khác nhau được trồng ở tiểu khu Chun ở tỉnh Phayao.