Kế hoạch mới này, có tên gọi là Sản xuất tại Thái Lan (Made-in-Thailand), được đưa ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), thông qua các dự án mua sắm nhà nước.
Bộ Công nghiệp Thái Lan cho biết các nhà máy và công nhân cũng sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. Theo Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Suriya Jungrungreangkit, có tới 60.000 nhà máy đã đăng ký với Bộ Công nghiệp và có khoảng 5 triệu công nhân được tuyển dụng trong các nhà máy và các doanh nghiệp SME.
Ông kỳ vọng chương trình này sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của Thái Lan vào các sản phẩm nhập khẩu, đồng thời khẳng định kế hoạch đó không phải là một rào cản thương mại, mà là để hỗ trợ các sản phẩm địa phương.
Bộ trưởng Tài chính Arkhom Termpittayapaisith cho biết kế hoạch nói trên ấn định tỷ lệ sản phẩm địa phương không dưới 60% tổng sản phẩm được sử dụng cho các dự án nhà nước. Nếu các mặt hàng được sử dụng là thép và sắt, tỷ lệ này sẽ tăng lên 90%.
Các nhà chức trách Thái Lan kỳ vọng đó sẽ là một công cụ khác giúp nước này đối phó với tác động của đại dịch COVID-19, đồng thời nâng cao hiệu quả của các ngành công nghiệp địa phương.
Bộ Tài chính cho biết chính phủ đã phân bổ ngân sách trị giá 1.770 tỷ baht trong năm tài chính 2021 cho các dự án mua sắm nhà nước. Theo ông Arkhom, chương trình Made-in-Thailand được kỳ vọng sẽ đóng góp mạnh mẽ vào nền kinh tế trong nước. Bộ Tài chính đã yêu cầu các cơ quan nhà nước soạn thảo các điều khoản tham chiếu cho các dự án thuộc đề án này.
Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) Supant Mongkolsuthree đã bày tỏ tin tưởng rằng chương trình Made-in-Thailand có thể là một kênh khác để giúp các công ty địa phương và các doanh nghiệp SME tăng cường bán sản phẩm sang khu vực nhà nước.
Các SME muốn tham gia chương trình Made-in-Thailand có thể gửi đơn đăng ký đến FTI và họ có thể sử dụng chứng nhận tham gia chương trình để tham gia đấu thầu trong các dự án của nhà nước. FTI kỳ vọng các SME cung cấp hơn 100.000 sản phẩm sẽ tham gia chương trình này trong năm nay.