Các số liệu thống kê từ ngành hàng không cho thấy “đất nước Chùa Vàng” có tiềm năng trở thành đối trọng của Singapore trong lĩnh vực hàng không trong bối cảnh lượng khách đi máy bay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng gấp ba trong vòng hai thập niên tới.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan công bố kế hoạch phát triển năm 2017-2031 chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu (2017-2021) tập trung vào việc xây dựng một trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu mới (MRO) cho hãng hàng không Thai Airways. Giai đoạn hai tập trung vào việc tiếp tục mở rộng trung tâm MRO nói trên cho tới năm 2026. Giai đoạn ba tập trung phát triển năng lực thiết kế và chế tạo ngành hàng không của “đất nước Chùa Vàng”.
Máy bay của Thai Airways đậu tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây là một phần của kế hoạch quy mô lớn hơn của Chính phủ Thái Lan nhằm thúc đẩy tăng trưởng về năng lực công nghiệp công và tư nhân trong lĩnh vực chế tạo điện tử, xe ô tô thông minh, robot và các công nghệ khác.
Số liệu mới nhất từ Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BoI) cho biết đầu tư mới vào lĩnh vực hàng không của nước này đã tăng mạnh từ tháng 1-10/2016, cho thấy Thái Lan đang tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm hàng không của châu Á. Đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp hàng không nước ngoài với BoI giai đoạn này đạt tổng cộng 22,9 tỷ baht với 22 dự án. Trong số đó 16,5 tỷ baht đến từ 17 doanh nghiệp logistics hàng không và các hãng hàng không, 616 triệu baht là từ các nhà chế tạo phụ tùng hàng không và 5,7 tỷ baht từ các dự án sản xuất lốp máy bay.
Hàng không là một trong mười nhóm ngành công nghiệp mục tiêu Chính phủ Thái Lan hướng đến việc thúc đẩy tăng trưởng.
Ngày 8/3, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak, Thai Airways International (THAI) và tập đoàn Airbus Industries đã ký một bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác nghiên cứu khả thi của dự án xây dựng một trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm tra máy bay cấp khu vực tại sân bay U-tapao, miền Đông Thái Lan.
Trước đó, cuối tháng Hai, Chủ tịch Tập đoàn Cảng hàng không Thái Lan (AOT) là ông Nitinai Sirismatthakarn cho biết AOT đã lên kế hoạch tổng thể 10 năm nhằm nâng cấp và phát triển 6 sân bay lớn tại nước này với nguồn vốn đầu tư ước tính 200 tỷ baht. AOT hiện đang điều hành 6 sân bay quốc tế bao gồm: Don Muang, Phuket, Chiang Mai, Hat Yai, Chiang Rai và Suvarnabhumi.