Thái Lan trước vòng xoáy nguy hiểm mới

Cuộc bầu cử Quốc hội sớm tại Thái Lan đã kết thúc ngày 2/2 trong chật vật. Sự phản đối quyết liệt của phe đối lập trong và sau bầu cử đang đẩy Chính phủ nước này tới một giai đoạn khó khăn mới, thậm chí là nguy cơ của một cuộc “đảo chính pháp lý”.


Bầu cử trong căng thẳng


Theo Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC), cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội mới đã được tổ chức một cách minh bạch. Cử tri tại trong tổng số 76 tỉnh, thành của Thái Lan và thủ đô Bangkok đã tham gia bỏ phiếu, bất chấp một số tranh cãi và xô xát tại các điểm bầu cử. 89% số điểm bỏ phiếu đã tiến hành bầu cử. Riêng tại 9/14 đơn vị bầu cử ở miền nam, nơi có tỷ lệ ủng hộ Đảng Dân chủ đối lập (DP) cao nhất, việc bầu cử đã bị hủy bỏ do sự cản trở mạnh mẽ của người biểu tình. Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra tại một số đơn vị bầu cử ở Bangkok.

 

Người biểu tình tìm chỗ ẩn nấp khi nghe tiếng súng nổ ngày 2/2. Ảnh: CNN


Theo Tân Hoa xã, cuộc bầu cử tại Thái Lan có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp, chỉ đạt 45,8%, do hàng triệu người bị cản trở bởi người biểu tình chống Chính phủ. Đây cũng là nguyên nhân khiến Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) chưa thể công bố ngay kết quả tổng tuyển cử và tình trạng “treo” này sẽ còn kéo dài. Theo luật bầu cử Thái Lan, cuộc bầu cử bổ sung tại các điểm bỏ phiếu bị đóng cửa vì lí do khách quan sẽ được tiến hành trong thời gian 6 tháng.


Sau bầu cử một ngày, thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố người biểu tình sẽ tiếp tục các hoạt động chống đối như chiếm các trụ sở cơ quan chính phủ nhằm buộc chính quyền của Thủ tướng Yingluck phải từ chức và thực hiện cải cách quốc gia. Ngoài ra, phe đối lập còn quyết định đóng cửa một số điểm biểu tình để tập trung lực lượng cho những điểm chính ở trung tâm thủ đô.


Đáp lại, Đảng Puea Thai (Vì nước Thái) cáo buộc phong trào biểu tình chống chính phủ do cựu Phó Thủ tướng Suthep và 8 lãnh đạo khác có quan hệ với Đảng Dân chủ (DP) đã vi phạm hiến pháp. Tòa án hình sự cũng khẳng định quan điểm này khi ra lệnh bắt ông Suthep vì tội nổi loạn. Việc DP tẩy chay cuộc bầu cử ngày 2/2 đã vi phạm các quy định và nghĩa vụ mà một đảng chính trị phải thực hiện theo luật đảng chính trị.


Phong trào biểu tình chống Chính phủ bùng phát từ cuối năm ngoái, đỉnh điểm là đợt vận động “đóng cửa Bangkok” từ ngày 13/1/2014, được coi là cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất tại Thái Lan kể từ năm 2010.


Bắt đầu cuộc “đảo chính pháp lý”


Mặc dù vài ngày sau bầu cử, đường phố Thái Lan dường như yên tĩnh hơn do không có cuộc tuần hành nào của những người biểu tình, nhưng chính trường Thái Lan vẫn không hề lặng sóng.

 

Người biểu tình chống chính phủ tuần hành tại Thủ đô Bangkok. Ảnh: CNN


Theo nhận định của giới quan sát, Đảng Puea Thai của bà Yingluck sẽ dễ dàng giành chiến thắng chung cuộc, dù số phiếu có giảm đi ít nhiều. Ông Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương thuộc Viện Viễn Đông (Nga) cho biết trong vòng 20 năm qua, DP không giành một chiến thắng nào trong các cuộc bầu cử. Còn Đảng Puea Thai được sự ủng hộ rộng rãi của nông dân và giai cấp tư sản mới.


Kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ được công bố sau ba tuần. Trước mắt Chính phủ Thái Lan là mấy tuần lễ không dễ dàng, trong bối cảnh phe đối lập vẫn không chịu ngồi yên. Với tình trạng nhiều điểm bỏ phiếu không thể hoạt động do bị người biểu tình ngăn cản, ông Somcha, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thái Lan thừa nhận nền chính trị Thái Lan đang nằm trong một “cái vòng luẩn quẩn” với các cuộc bầu cử bổ sung, bầu cử lại, bầu cử cuốn chiếu và hàng loạt các cuộc bầu cử trong vòng từ 3-6 tháng tới. “Điều này có nghĩa là không chính phủ nào được bầu lên, có nghĩa là vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn... Chừng nào họ xung đột và không thống nhất được bất kỳ vấn đề gì thì cuộc bầu cử sẽ không bao giờ thành công”, ông Somcha nói .


Trong khi đó, phe đối lập đã đệ đơn kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp đòi hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử trên. Luật sư đại diện cho DP, Wiratana Kalayasiri cho rằng cuộc bầu cử trên là vi hiến, trong đó có việc cuộc bầu cử không được hoàn tất trong một ngày. Đặc biệt, Chủ tịch DP Abisit còn trích dẫn điều quy định nghiêm cấm các cá nhân làm suy yếu chế độ quân chủ lập hiến và cố gắng giành chính quyền bằng các biện pháp vi hiến. Ngoài ra, DP còn yêu cầu giải tán đảng cầm quyền Puea Thai và ra lệnh cấm tham gia chính trị đối với các thành viên của đảng này.


Giới phân tích cho rằng đây là sự khởi động của một cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính phủ bằng công cụ pháp lý, đe dọa đẩy nền chính trị Thái Lan vào một giai đoạn nguy hiểm mới. Tiến sỹ Michael Montesano, chuyên gia nghiên cứu chính trị Thái Lan, nói: “Tôi cho rằng việc phe DP kiện chính phủ là động thái ban đầu của một cuộc đảo chính pháp lý, mở đường cho việc tòa án đẩy chính phủ của bà Yingluck ra khỏi quyền lực. Vấn đề ở chỗ nếu tòa án phán quyết đẩy chính phủ của bà Yingluck ra khỏi vị trí cầm quyền thì sẽ xảy ra xung đột với những người ủng hộ chính phủ. Đó là điều mà phe dân chủ và những người ủng hộ chính phủ rất lo ngại”.


Trong khi đó bà Yingluck còn đang phải đối mặt với một rắc rối pháp lý khác. Nữ thủ tướng này đang bị EC điều tra về cáo buộc lạm dụng quyền lực trong chiến dịch tranh cử, đồng thời bị Ủy ban chống tham nhũng quốc gia điều tra về cáo buộc thiếu trách nhiệm trong kế hoạch thu mua lúa gạo để trợ giá cho nông dân. “Trong lúc rối ren hiện nay, Thủ tướng sẽ tiếp tục bị công kích và có thể sẽ nhận được những kết luận bất lợi từ Ủy ban chống tham nhũng và Tòa án Hiến pháp”, Giáo sư Thitinan Pongsuhirad, chuyên gia Nghiên cứu Quốc tế nhận định.


Nếu nhận được những phán quyết pháp lý bất lợi, tình hình chính trị Thái Lan có thể sẽ rơi vào vòng xoáy bất ổn mới. Các nhà phân tích rủi ro chính trị tiếp tục hạ cấp ổn định của Thái Lan và cảnh báo nguy cơ của một cuộc đảo chính lần thứ 19 kể từ năm 1932, thậm chí là một cuộc nội chiến tại nước này.


CT (Tổng hợp)

Tòa hình sự Thái Lan thông qua lệnh bắt 19 thủ lĩnh biểu tình
Tòa hình sự Thái Lan thông qua lệnh bắt 19 thủ lĩnh biểu tình

Ngày 5/2, Tòa án Hình sự Thái Lan đã thông qua lệnh bắt giữ 19 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ, trong đó có cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban, với tội danh không tuân thủ lệnh tình trạng khẩn cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN