Phát biểu với báo giới, ông Nakorn cho biết Bộ Y tế Thái Lan sẽ thảo luận với AstraZeneca nhằm đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vaccine trong nước trước khi xuất khẩu.
Hiện AstraZeneca chưa đưa ra bình luận nào về thông tin Thái Lan đang cân nhắc điều chỉnh lượng vaccine xuất khẩu.
Thái Lan bắt đầu sản xuất vaccine của AstraZeneca từ tháng 6/2021 và dự kiến sẽ xuất khẩu vaccine này sang một số nước ở Đông Nam Á và Đài Loan (Trung Quốc). Hiện Philippines và Malaysia đều chịu ảnh hưởng của việc giao vaccine chậm trễ.
Trước đó, AstraZeneca thông báo hơn 33% sản lượng của công ty địa phương Siam Bioscience (Thái Lan) sẽ được phân bổ cho thị trường nước này. Tháng 6 vừa qua, hãng này đã cung cấp đủ cho Thái Lan 6 triệu liều vaccine như đã cam kết, khi quốc gia Đông Nam Á này bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, dự báo, hãng này sẽ không thể cung cấp đủ 10 triệu liều vaccine mỗi tháng, từ tháng 7 trở đi.
Tính đến nay, Thái Lan ghi nhận gần 363.000 ca mắc COVID-19, với 2.934 trường hợp không qua khỏi. Phần lớn các ca mắc COVID-19 tại Thái Lan được ghi nhận từ đầu tháng 4 vừa qua, do sự xuất hiện của các biến thể Alpha và Delta.
* Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 13/7, Indonesia đã nhận được hơn 3,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca từ Cơ chế COVAX.
Phát biểu họp báo, Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết đây là lô vaccine thứ 8 mà COVAX chuyển giao cho Indonesia, nâng tổng số vaccine tiếp nhận từ cơ chế đa phương này lên 14.704.860 liều. Bà Retno nhắc lại rằng trước đó, Indonesia cũng đã tiếp nhận 10.000.280 liều vaccine của Sinovac dưới dạng nguyên liệu vào ngày 12/7 và hơn 1,4 triệu liều vaccine của Sinopharm vào ngày 13/7. Như vậy, tính đến nay, Indonesia đã có tổng cộng 137.611.540 liều vaccine.
Theo bà Retno, trong những ngày tới, Indonesia sẽ tiếp nhận thêm một lô vaccine của Moderna được Mỹ viện trợ qua chương trình chia sẻ đa phương, cũng như các lô vaccine được Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) viện trợ song phương.
Ngoại trưởng Retno tái khẳng định Indonesia ủng hộ mạnh mẽ cơ chế tiếp cận vaccine công bằng, đồng thời nhấn mạnh tình trạng mất cân bằng về tỷ lệ dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. Theo đó, tại Bắc Mỹ và châu Âu, 75% dân số đã được tiêm phòng, trong khi ở châu Phi, con số này chỉ đạt 4,03% và ở khu vực Đông Nam Á là 16,3%.