Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 5 đã tăng 0,8%, lên mức 75,1 tỷ USD. Số liệu của tháng 4 cũng được điều chỉnh nhẹ với mức thâm hụt thương mại là 74,5 tỷ USD, thay vì 74,6 tỷ USD như báo cáo trước đó.
Thâm hụt thương mại hàng hóa tăng 0,9%, lên mức 100,2 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 5/2022. Sau khi được điều chỉnh theo lạm phát, thâm hụt thương mại hàng hóa tăng 0,5%, lên mức 94,5 tỷ USD.
Xuất khẩu giảm 0,7%, xuống còn 261,7 tỷ USD trong tháng 5/2024, phản ánh đồng USD mạnh khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) giữ lãi suất ở mức cao và nhu cầu toàn cầu chậm lại.
Xuất khẩu hàng hóa giảm 1,7%, xuống còn169,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp giảm, chủ yếu là vàng phi tiền tệ, các sản phẩm dầu mỏ và dầu nhiên liệu khác. Xuất khẩu ô tô, phụ tùng và động cơ cũng giảm, trong khi xuất khẩu dịch vụ tăng 1,1 tỷ USD, lên mức 92,1 tỷ USD, nhờ vào du lịch.
Nhập khẩu giảm 0,3%, xuống còn 336,7 tỷ USD, trong đó nhập khẩu hàng hóa giảm 0,8%, xuống còn 269,7 tỷ USD. Nhập khẩu hàng tiêu dùng giảm do dược phẩm kéo theo. Tuy nhiên, nhập khẩu điện thoại di động và các mặt hàng gia dụng khác lại tăng 1,0 tỷ USD. Nhập khẩu ô tô, phụ tùng và động cơ giảm 1,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp tăng 1,4 tỷ USD, được thúc đẩy bởi dầu thô và nguyên nhiên liệu hạt nhân. Nhập khẩu dịch vụ tăng 0,9 tỷ USD, lên mức 67,0 tỷ USD, được thúc đẩy bởi ngành vận tải và du lịch.
Thương mại đã làm hạn chế tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GPD) của Mỹ trong quý đầu tiên năm 2024 ở mức 1,4%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 3,4% của Quý IV/2023. Ước tính tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý II hiện trong khoảng 2%.