Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, tuyên bố được văn phòng truyền thông của Lực lượng vũ trang Burkina Faso chia sẻ đã gọi tình hình hiện nay là "một cuộc khủng hoảng nội bộ trong các lực lượng vũ trang quốc gia".
Trước đó, việc lật đổ chính quyền của Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba - người lên nắm quyền trong cuộc đảo chính hồi tháng 1, đã được thông báo trên Đài truyền hình quốc gia Burkina Faso. Lực lượng đảo chính của Đại úy Ibrahim Traore cũng tuyên bố đóng cửa biên giới vô thời hạn, cũng như đình chỉ Hiến pháp và giải tán chính quyền hiện nay ở Burkina Fasso. Lệnh giới nghiêm sẽ được thực thi từ 21h-5h.
Cũng trong ngày 1/10, Đại úy Traore cáo buộc ông Damiba hiện ẩn náu tại một căn cứ quân đội Pháp và đang lên kế hoạch phản công sau khi bị lật đổ bởi cuộc đảo chính trước đó 1 ngày.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Pháp trước đó phủ nhận bất kỳ sự can dự nào của quân đội Pháp trong các sự kiện gần đây ở Burkina Faso, đồng thời cho biết lực lượng Pháp không bảo vệ bất kỳ chính quyền nào ở quốc gia châu Phi này. Pháp cũng bác "tin đồn rằng các nhà chức trách Burkina Faso đã được tiếp đón hoặc đang được quân đội Pháp bảo vệ".
Trong một tuyên bố khác cũng trong ngày 1/10, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ông "lên án mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào chiếm quyền bằng vũ lực, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế bạo lực và tìm kiếm đối thoại". Tuyên bố khẳng định "Burkina Faso cần hòa bình, ổn định, thống nhất để chống các nhóm khủng bố và mạng lưới tội phạm hoạt động ở nhiều khu vực của đất nước".
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Liên minh châu Âu (EU) cùng ngày đã chỉ trích cuộc đảo chính mới ở Burkina Faso, gây nguy hiểm cho những nỗ lực, đặc biệt là của Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS), được thực hiện nhằm giám sát quá trình chuyển tiếp trong vài tháng qua. EU kêu gọi tuân thủ các cam kết đã đưa ra, vốn là cơ sở của thỏa thuận đạt được với ECOWAS vào ngày 3/7, để hỗ trợ Burkina Faso hướng tới việc vẫn hồi trật tự Hiến pháp không muộn hơn ngày 1/7/2024.