Theo CNBC, cách đây hơn 2 năm, doanh nhân công nghệ Ben Lamm đã gặp nhà di truyền học Harvard nổi tiếng George Church ở phòng thí nghiệm của ông tại Boston (Mỹ). Cuộc nói chuyện của họ là chất xúc tác để thành lập công ty khoa học sinh học khởi nghiệp Colossal, với khoảng 15 triệu USD tiền gọi vốn từ nhiều nhà đầu tư. Công ty này mới đây đã công bố ý định sử dụng công nghê mới để hồi sinh loài voi ma mút lông xoăn đã tuyệt chủng ở vùng lãnh nguyên Bắc Cực.
Trao đổi với báo giới, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Colossal Ben Lamn chia sẻ: “Chưa bao giờ nhân loại có thể khai thác sức mạnh của công nghệ này để xây dựng lại hệ sinh thái, chữa lành và bảo tồn tương lai của Trái đất thông qua việc làm hồi sinh các loài động vật đã tuyệt chủng (như hiện nay)". Ngoài việc làm sống lại các loài sinh vật cổ đại đã tuyệt chủng như voi ma mút lông xoăn, Colossal cũng có thể tận dụng các công nghệ của mình để giúp bảo tồn các loài cực kỳ nguy cấp đang trên đà tuyệt chủng và phục hồi các loài động vật mà nhân loại góp phần gây ra sự diệt vong.
Voi ma mút lông xoăn từng sống ở phần lớn Bắc Cực và cùng tồn tại với những con người thuở sơ khai. Họ săn bắt động vật ăn cỏ chịu lạnh để làm thức ăn, sử dụng ngà và xương của chúng làm công cụ. Colossal nhắm tới việc cài chuỗi ADN của voi ma mút lông xoăn vào bộ gen của voi châu Á, để tạo ra một "con voi lai giữa voi thường và voi ma mút". ADN sử dụng trong quá trình này được thu thập từ những phần xác voi ma mút được bảo quản tốt trong băng vĩnh cửu và thảo nguyên giá lạnh. Theo Colossal, voi Châu Á và voi ma mút lông xoăn có cấu trúc ADN giống nhau đến 99,6%.
Colossal cho biết nỗ lực hồi sinh các loài tuyệt chủng của công ty có tiềm năng tạo ra một mô hình hoạt động để phục hồi các hệ sinh thái bị tổn hại hoặc đã mất, qua đó giúp làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn các tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, việc hồi sinh các loài động vật có khả năng giúp phục hồi các đồng cỏ ở Bắc Cực, một khu vực rộng lớn với các đặc tính chống biến đổi khí hậu. Thảm cỏ lãnh nguyên này sẽ làm mát hệ sinh thái, từ đó giảm tình trạng thải ra khí metan nằm sâu trong băng vĩnh cửu - một nhân tố chính khiến nhiệt độ toàn cầu ấm lên.
Voi ma mút hầu hết đã tuyệt chủng từ cách đây 10.000 năm. Quần thể cuối cùng tồn tại cách đây 4.000 năm. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã tìm cách khôi phục từng mảnh ngà, xương, răng và lông của voi ma mút để chiết xuất và tìm cách giải trình tự ADN.