Tham vọng vũ trụ của Trung Quốc ngày càng vươn xa

Trung Quốc đã thực hiện được điều mà chỉ có Mỹ và Liên Xô (trước đây) từng gặt hái được: hạ cánh thành công thiết bị vũ trụ trên bề mặt Sao Hỏa.

Chú thích ảnh
 Người dân Trung Quốc theo dõi tên lửa đưa tàu thăm dò Thiên Vấn-1 lên vũ trụ. Ảnh: AP

Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) ngày 15/5 tuyên bố tàu thăm dò Thiên Vấn-1 (Tianwen-1) đã hạ cánh thành công xuống bề mặt "Hành tinh Đỏ". Hãng thông tấn Xinhua nhận định: “Trung Quốc đã lần đầu tiên để lại dấu chân trên Sao Hỏa, một bước đi quan trọng cho lĩnh vực khám phá vũ trụ của chúng ta”.

Tờ The New York Times cho biết kể từ năm 1976, Mỹ đã 9 lần cạ cánh thành công thiết bị trên Sao Hỏa. Liên Xô năm 1971 trở thành quốc gia đầu tiên đưa thiết bị cạ cánh lên bề mặt Hành tinh Đỏ nhưng sứ mệnh không thành công do chiếc tàu thăm dò sau đó ngừng truyền phát tín hiệu.

Gần đây, Trung Quốc liên tục ghi nhận những thành tựu khoa học vũ trụ mới. Sáng 29/4, Trung Quốc phóng module đầu tiên để xây dựng Trạm vũ trụ (CSS) của riêng nước này. Dường như để đuổi kịp Mỹ và Nga, tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Sao Hỏa cùng trạm vũ trụ.

Giấc mơ Mặt Trăng

Tháng 1/2019, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu thăm dò xuống vùng tối của Mặt Trăng. Có thể hiểu vùng tối là mặt ban đêm của Mặt Trăng trong khi phía còn lại có thể quan sát được từ Trái Đất do nhận ánh nắng Mặt Trời và là mặt ban ngày. Đây là lần hạ cánh thành công thứ hai của Trung Quốc lên bề mặt Mặt Trăng, lần đầu tiên là vào năm 2013.

Trung Quốc là quốc gia thứ 3 trên thế giới thám hiểm Mặt Trăng thành công, sau Mỹ và Nga. Tháng 12/2020, Trung Quốc cử thêm một tàu thăm dò khác lên Mặt Trăng, đó là tàu Thường Nga-5. Ngày 16/12/2020, tàu Thường Nga-5 đã hạ cánh tại vùng Nội Mông mang theo các mẫu phẩm từ bề mặt Mặt Trăng. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học thu được mẫu phẩm từ bề mặt Mặt Trăng, sau sứ mệnh tàu Luna-24 của Liên Xô năm 1976.

Chú thích ảnh
Mẫu phẩm Mặt Trăng do tàu Thường Nga-5 mang về được trưng bày tại bảo tàng quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Trung Quốc dự định đến năm 2027 phóng thêm 3 tàu vũ trụ lên Mặt Trăng. Mục tiêu của Bắc Kinh là thiết lập cơ sở trên Mặt Trăng để các nhà du hành vũ trụ có thể tiếp cận trong thập niên tới.

Trong tháng 3, cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết sẽ hợp tác với Trung Quốc trong việc xây dựng một trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng. Tuy nhiên, hai quốc gia vẫn chưa thông báo chi tiết về kế hoạch phối hợp này.

Cuộc cạnh tranh nghiêm túc

Việc mảng vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ Dương trong tháng 5 đã vấp phải nhiều chỉ trích từ dư luận quốc tế. Vào tháng 4, tên lửa Trường Chinh 5B này đã đưa module lõi lên không gian để dựng trạm vũ trụ đầu tiên của riêng Trung Quốc.

Trong thời gian tới, Trung Quốc dự định thực hiện thêm 11 lần phóng để đến cuối năm 2022 hoàn tất trạm vũ trụ.

Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) do Nga, Mỹ và nhiều nước phối hợp phát triển sẽ “nghỉ hưu” vào năm 2024. Hiện vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chủ trương giữ ISS hoạt động thêm một vài năm. Nga trong khi đó tuyên bố sẽ rút lui từ năm 2025.

Trong trường hợp ISS ngừng hoàn toàn hoạt động, Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất sở hữu trạm vũ trụ. Theo đó, trạm vũ trụ của Trung Quốc có tên Thiên Cung dự kiến có thể là nơi dành cho 3 phi hành gia hoạt động cùng thời điểm. Trung Quốc đã lựa chọn được một đội 18 phi hành gia, trong đó chỉ có một nữ giới. Ba phi hành gia đầu tiên dự kiến dành 3 tháng hoạt động trên vũ trụ.

Sao Hỏa và hơn thế nữa

Chú thích ảnh
Mô hình về trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: AP

Trung Quốc tuyên bố nước này dự kiến đến năm 2028 thực hiện thêm một cuộc hạ cánh xuống Sao Hỏa và đem các mẫu vật từ hành tinh này về Trái Đất để nghiên cứu. NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng đang bắt tay vào công việc này với hy vọng tàu thăm dò Perseverance của Mỹ vốn hạ cánh xuống Sao Hỏa vào tháng 2 có thể mang đất và đá từ Sao Hỏa đến Trái Đất vào năm 2031. Điều này được cho có nhiều khả năng dẫn đến một cuộc đua giữa các bên.

Trung Quốc còn lên kế hoạch kéo dài 10 năm để thu thập mẫu vật từ sao chổi. Bên cạnh đó, nước này còn dự định thiết lập tàu vũ trụ bay theo quỹ đạo quanh Sao Kim và Sao Mộc. Đến năm 2024, Trung Quốc dự định phóng một kính viễn vọng không gian giống như Hubble của Mỹ vốn được đưa lên quỹ đạo từ năm 1990.

Vào Ngày Vũ trụ Trung Quốc (24/4) năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình đã viết bức thư gửi đến các nhà khoa học vũ trụ cấp cao, khuyến khích họ “tăng cường và mở rộng khám phá vũ trụ đồng thời nhanh chóng biến Trung Quốc thành cường quốc vũ trụ”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Vì sao Nhật Bản kiên quyết tổ chức Olympic 2020 dù dịch bệnh chưa yên?
Vì sao Nhật Bản kiên quyết tổ chức Olympic 2020 dù dịch bệnh chưa yên?

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đang đứng trước sức ép rất lớn trước yêu cầu hủy sự kiện thể thao lớn nhất thế giới trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại Tokyo. Tuy nhiên, thông điệp của IOC rất rõ ràng: Olympic bằng mọi giá phải diễn ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN