Khi còn trẻ, Lin Yuan-yuan, người Đài Loan (Trung Quốc) đã được coi là một thợ săn huyền thoại sau khi tự tay hạ gục hai con gấu đen Formosan hung dữ. Nhưng giờ ông không còn cầm súng săn động vật nữa mà dành trọn quãng đời còn lại để bảo vệ một trong những loài động vật to lớn nhất Đài Loan này. Hiện loài gấu đen Formosan vừa phải vật lộn để sinh tồn trong một môi trường bị suy thoái vừa phải lẩn tránh khỏi đám thợ săn thú trộm.
Ông Lin tâm sự: “Khi tôi nhìn thấy một con gấu đen Formosan, tôi không còn muốn nổ súng mà chỉ muốn chụp ảnh nó”. Trong các chuyến đi tuần tại Vườn Quốc gia Yushan, một trong hai nơi cư trú tự nhiên lớn của loài gấu đen Formosan ở Đài Loan, ông Lin thường đem theo máy ảnh. Hiện ông là thành viên trong đội tuần tra công viên gồm 4 người. Đội của ông mỗi tháng tuần tra khoảng 40% diện tích của Yushan.
Tuy nhiên, quá trình trở thành người bảo vệ rừng không hề dễ dàng đối với một người được dạy các kỹ năng săn bắn từ thuở nhỏ. Ông Lin nhớ lại khi mới 19 tuổi, ông đã hạ được con gấu đen Formosan đầu tiên vào một ngày đông lạnh giá. Một năm sau, ông đã củng cố thêm danh tiếng của một người thợ săn dũng cảm khi giết được con gấu đen Formosan thứ hai.
Con gấu đen Formosan 10 năm tuổi tại trung tâm cứu nạn động vật thuộc trường Đại học khoa học công nghệ quốc gia Pingtung, phía nam Đài Loan. Ảnh: AFP/TTXVN |
Gấu đen Formosan (tên khoa học là Selenarctos thibetanus formosanus) là loài động vật có vú lớn nhất ở Đài Loan. Loài gấu này còn được gọi là gấu cổ trắng vì có một vạch lông trắng quanh cổ hoặc gấu chó vì nó có tiếng kêu và mõm dài như chó. Gấu đen Formosan cao từ 120 đến 190 cm, nặng từ 49 kg đến 198 kg. Chúng có bộ lông màu đen hơi nâu dày và dài; tuổi thọ từ 25 đến 30 năm. Loài này được Công ước về buôn bán động thực vật quý hiếm quốc tế (CITES) bảo vệ. Công ước cấm mọi hoạt động buôn bán các sản phẩm từ loài gấu đen. |
Nhưng không lâu sau khi Vườn Quốc gia Yushan được thành lập năm 1985, ông Lin đã trăn trở và cân nhắc rất nhiều rồi quyết định bỏ nghề săn bắn và trở thành nhân viên gác rừng. Nghề gác rừng đã đem lại cho ông thu nhập ổn định. 13 năm sau, chính công việc này đã khiến cuộc đời ông có nhiều đổi thay lớn, làm được những điều có ích cho thiên nhiên.
Do quen thuộc với nơi sinh sống của loài gấu đen Formosan, ông Lin có điều kiện tiếp xúc với nữ học giả Hwang Mei-hsiu, người cả đời gắn bó với công việc nghiên cứu các loài động vật hoang dã. Bà Hwang cần ông Lin giúp đỡ trong công trình nghiên cứu thực địa về loài gấu đen Formosan. Công trình này đòi hỏi phải bắt gấu đen Formosan trong môi trường hoang dã, gắn thiết bị theo dõi rồi lại thả chúng ra.
Các chuyên gia sinh học ước tính rằng loài gấu đen Formosan có thể có tới hàng trăm cá thể, phần lớn sống ở độ cao 1.000 đến 2.000 mét trong Vườn Quốc gia Yushan và Vườn Quốc gia Shei-Pa gần đó. Loài gấu này rất khó gặp vì chúng hay lảng tránh bóng người. Có lẽ, ông Lin là người duy nhất có thể tìm ra chúng nhờ những kỹ năng của một thợ săn giỏi.
Trợ lý của bà Hwang nhận xét về khả năng của ông Lin: “Ông Lin dẫn chúng tôi đến nơi mà gấu đen Formosan có thể xuất hiện. Ông quen thuộc khu vực phía đông của Yushan đến mức ông không cần dùng bản đồ”.
Nhờ sự giúp đỡ của ông Lin, bà Hwang đã đạt được những thành công đầu tiên trong nghiên cứu của mình. Bằng những bằng chứng khoa học cụ thể, nghiên cứu đã chỉ ra những mối nguy hiểm mà loài gấu đen Formosan ở Đài Loan đang phải đối mặt. Giúp đỡ được bà Hwang trong công trình nghiên cứu về gấu đen Formosan, ông Lin rất tự hào và cảm thấy mình có ích. Giờ đây, người thợ săn năm xưa không còn là kẻ thù của loài gấu nữa mà đã trở thành “thần hộ mệnh” của chúng.
Thùy Dương