Phát biểu trước báo giới, Thị trưởng Bill de Blasio cho biết chính quyền quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ngay lập tức, trong bối cảnh thành phố nổi tiếng này của Mỹ sắp mở cửa trở lại sau nhiều tháng phong tỏa vì dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Trước đó, ngày 5/6, giới chức thành phố New York đã thông báo gia hạn lệnh giới nghiêm đến ngày 8/6, ngày thành phố dự định mở lại một phần hoạt động, sau khi vẫn có hàng nghìn người tham gia biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên đường phố trong đêm 4/6.
Đám đông biểu tình đã kêu gọi cải tổ lực lượng cảnh sát, thay đổi chính sách nhập cư và không chịu giải tán, kể cả khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực vào lúc 20 giờ khiến nhiều người bị bắt.
Tại cuộc họp báo sáng 5/6 theo giờ địa phương, Thị trưởng de Blasio khẳng định sớm tuyên bố hình thức kỷ luật đối với những cảnh sát vi phạm quy định, sử dụng vũ lực quá mức với người biểu tình hòa bình, sau khi có nhiều báo cáo tố cáo cảnh sát đã nặng tay khi giải tán những người vẫn còn trên đường phố sau giờ giới nghiêm.
Trong khi đó, người đứng đầu sở cảnh sát thành phố New York, Dermot Shea, đã ủng hộ hành động cương quyết của lực lượng cảnh sát những ngày qua dù cam kết sẽ xử lý bất kỳ trường hợp nào lạm dụng vũ lực.
Cảnh sát trưởng Shea cũng lên tiếng xin lỗi nếu có cảnh sát vi phạm quy định lạm dụng vũ lực, song yêu cầu người biểu tình phải chấm dứt xúc phạm và tấn công cảnh sát. Ông Shea cũng khẳng định phần lớn cảnh sát New York đã thực thi công việc một cách chuyên nghiệp và “hết sức kiềm chế” trong tình thế “bạo loạn” như vậy.
Lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ vào thời điểm New York sắp mở cửa trở lại. Thống đốc bang Andrew Cuomo thông báo thành phố New York, một trong những tâm dịch lớn nhất của thế giới, sẽ bắt đầu mở lại các hoạt động vào ngày 8/6, bước đầu tiên tiến tới chấm dứt lệnh phong tỏa đã kéo dài từ cuối tháng Ba.
Ông hy vọng thành phố sẽ đáp ứng được hai tiêu chí còn thiếu để đạt đủ 7 tiêu chí mở lại hoạt động do bang quy định trước ngày 8/6: Đó là có đủ 30% giường bệnh trống và có đủ lực lượng làm công tác truy xuất tiếp xúc của những người đã được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV2.
Trong giai đoạn đầu của quá trình mở cửa trở lại, ngành bán lẻ, sản xuất và xây dựng được trở lại hoạt động. Tuy nhiên, cả Thị trưởng Bill de Blasio và Thống đốc Cuomo đều khá thận trọng cho rằng người dân New York cần phải tiếp tục phòng ngừa.
Đại dịch COVID-19 đã khiến thành phố New York rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ khiến giới chức địa phương phải tính tới việc vay hàng tỷ USD để đảm bảo chi phí hoạt động cơ bản. Nhiều chuyên gia kinh tế và kể cả Thống đốc Cuomo tỏ ra khá lưỡng lự về việc cho phép thành phố vay nợ nhiều đến thế bởi lo ngại thành phố có thể rơi vào cảnh gần phá sản như hồi năm 1975.
Hiện Thị trưởng de Blasio đang đề xuất để thành phố được phát hành trái phiếu nhằm có nguồn tiền đảm bảo hoạt động. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu thành phố New York vay 7 tỷ USD để trang trải các khoản phải chi, thành phố này sẽ phải trả mỗi năm 500 triệu USD trong vòng 20 năm.