Tại Đông Nam Á, Lào thông báo ghi nhận 848 ca mắc mới COVID-19 mới, tăng mạnh so với con số trung bình khoảng 200 ca/ngày trong tháng 2 vừa qua. Nguyên nhân chính được cho là biến thể Omicron đang có xu hướng lây lan mạnh tại nước này, dự báo số ca nhiễm biến thể Omicron tại Lào sẽ tiếp tục tăng cao trong một hoặc hai tháng tới. Để hạn chế sự lây lan và sớm khống chế đợt bùng phát mới, Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người dân đề phòng biến thể Omicron, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và vận động những người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều hoàn thành tiêm chủng để nước này đạt mục tiêu tiêm chủng cho 87,25% dân số vào cuối năm 2022. Tính đến nay, Lào ghi nhận tổng cộng 148.257 ca mắc, trong đó có 643 ca tử vong.
Giới chức y tế Campuchia đang theo dõi hàng trăm ca mắc mới và số ca tử vong mỗi ngày do COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc tăng nhanh tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tình trạng lây nhiễm dòng phụ của biến thể Omicron. Theo các chuyên gia y tế, Campuchia có thể hoãn coi dịch COVID-19 là bệnh đặc hữu. Lý do là số ca mắc COVID-19 vẫn cao sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại nước này ngày 8/1 vừa qua, cho dù hầu hết người dân đã được tiêm phòng hai mũi cơ bản và mũi tăng cường.
Ngày 15/3, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Hok Kim Cheng bày tỏ quan ngại về "Omicron tàng hình", trong đó thừa nhận các biến thể phụ BA.1.1, BA.1, BA.2, BA.3 hay thậm chí là BA.2.2 của Omicron đã xuất hiện tại Campuchia. Tuy nhiên, hiện chưa có biến thể mới nào ngoài Omicron được phát hiện tại nước này. Ngày 16/3 đánh dấu ngày thứ 40 liên tiếp số ca mắc COVID-19 theo ngày tại Campuchia ở mức 3 chữ số (tính theo kết quả xét nghiệm PCR) và tổng số ca nhiễm biến thể Omicron tại nước này đã vượt mức 14.000 ca.
Tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại, khiến việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn. Ngày 16/3, Trung Quốc đại lục báo cáo 3.290 ca mắc mới do biến thể Omicron lây lan mạnh, khiến hàng triệu người phải sống trong cảnh phong tỏa và gia tăng sức ép lên hệ thống y tế. Ủy ban Y tế quốc gia công bố phác đồ chẩn đoán và điều trị mới với nhiều thay đổi nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện vì lo ngại tình trạng thiếu giường bệnh. Đối với người mắc COVID-19 nhẹ chỉ cần cách ly tại một cơ sở tập trung và điều trị, thay vì đến bệnh viện chỉ định như trước đây. Lý do là bởi hầu hết các ca bệnh nhẹ không cần phải can thiệp y tế nhiều, trong khi việc có nhiều bệnh nhân nhập viện sẽ tốn rất nhiều nguồn lực y tế. Tại Thượng Hải - thành phố lớn nhất Trung Quốc, nhà chức trách tiếp tục tăng cường chiến dịch xét nghiệm hàng loạt.
Thượng Hải cũng đã đóng cửa các trường học và tuần này bắt đầu phong tỏa các khu dân cư riêng lẻ có ca bệnh hoặc ca nghi tiếp xúc gần với ca mắc trong ít nhất 48 giờ. Chính quyền thành phố cho biết trong những ngày tới cũng sẽ bắt đầu phong tỏa và xét nghiệm một số lượng người tại các "khu vực trọng điểm".
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo số ca nhiễm COVID-19 trong ngày 16/3 tại nước này tiếp tục lập kỷ lục mới với 549.854 ca, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch lên 7.629.275 ca. KDCA cho biết tính theo địa phương, thủ đô Seoul ghi nhận 128.5 trường hợp, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 ca/ngày. Đây là mức lây nhiễm cao nhất từ trước đến nay, vượt qua dự đoán của các cơ quan chức năng Hàn Quốc. KDCA cho biết việc số ca nhiễm tăng cao đột biến cũng có thể do chồng chéo về cập nhật dữ liệu khi Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu cho phép công nhận xét nghiệm nhanh tại các phòng khám địa phương được cập nhật vào kết quả chính thức của quốc gia.
Hàn Quốc cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng những loại thuốc điều trị thông thường. Nhiều cơ sở y tế tư nhân ở Seoul hiện không còn các loại thuốc phổ thông để kê cho bệnh nhân như thuốc cảm, thuốc giảm ho, sirô long đờm. Người đứng đầu bộ phận chính sách dược phẩm tại KDCA Moon Eun-hee cho biết nhà chức trách đã yêu cầu các công ty dược phẩm tăng cường sản xuất kể từ tháng 2. Trước tình hình hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các công ty báo cáo tình hình sản xuất, sản lượng, số lượng nhập khẩu, sản lượng bán hàng và tồn kho thuốc hàng tuần.
Một số bang của Australia đang chứng kiến số ca mắc mới tăng vọt trong bối cảnh dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đang lây lan mạnh trên khắp đất nước. Bang New South Wales ghi nhận 30.402 ca mắc mới, tăng mạnh so với con số 10.9 ca một ngày trước đó. Các cơ quan y tế cảnh báo bang này sẽ đối mặt với một làn sóng dịch bệnh mới, với số ca mắc mới có khả năng tăng gấp đôi vào giữa tháng tới do lo ngại về sự lây lan của biến thể phụ BA.2. Bang Victoria lân cận cũng ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong 5 tuần, với 9.426 ca trong ngày 16/3, tăng mạnh so với 7.460 ca vào ngày 15/3.
Số ca mắc mới hàng ngày ở bang Nam Australia cũng tăng từ 2.0 ca trong ngày 15/3 lên 3.122 ca trong ngày 16/3 - mức tăng cao nhất trong gần 2 tháng. Bang Tây Australia cũng ghi nhận 6.062 ca mắc mới trong ngày 16/3, lần đầu tiên vượt ngưỡng 6.000 ca mới/ngày. Trước số ca mắc ngày càng gia tăng, Hiệp hội Y khoa Australia (AMA) đã kêu gọi chính quyền liên bang và các bang củng cố hệ thống y tế trước làn sóng dịch tiếp theo.
Tại châu Âu, Đức thông báo tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày cao kỷ lục trong bối cảnh nước này chuẩn bị tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Viện Robert Koch (RKI) ghi nhận 262.539 ca mắc mới trong 24 giờ qua, tăng 22% so với một tuần trước đó, đưa tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên gần 17,7 triệu ca. Tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày tăng lên mức cao kỷ lục mới 1.607/100.000 dân vào ngày 16/3. Số ca mắc mới tăng trở lại kể từ đầu tháng 3 sau khi các quy định cấm những người chưa tiêm vaccine đến các khu vực công cộng có không gian kín bắt đầu được nới lỏng. Trong 24 giờ qua, Đức cũng ghi nhận thêm 269 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca không qua khỏi từ đầu dịch lên 126.142 ca.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết làn sóng gia tăng trở lại số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày hiện nay sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 3. Số ca mắc mới trong 24 giờ tại nước này đã lần đầu tiên vượt mốc 100.000 ca trong một tháng qua, lên mức 116.618 ca. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nước này đã hành động đúng khi dỡ bỏ phần lớn các hạn chế phòng dịch.
Tại Mỹ, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, còn gọi là "Omicron tàng hình”, đang là biến thể lây lan chủ đạo gây bệnh COVID-19 tại nước này, chiếm 25% số ca mắc mới, tăng mạnh so với mức 10% của một tuần trước đó. Kể từ tháng 1 vừa qua, Omicron dường như đã trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo tại Mỹ. Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, dòng phụ BA.2 đang dần nổi lên. Theo quan chức cấp cao của CDC Mỹ, Tiến sĩ Deborah Dowell, mặc dù số ca nhiễm BA.2 dường như đang tăng tại Mỹ, song gần như không gia tăng với tốc độ nhanh chóng như các quốc gia khác. Thời gian số ca nhiễm mới tăng gấp đôi ở Mỹ dường như đang chậm lại.