Tại Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19, biến thể phụ BA.2 của Omicron (còn gọi là "Omicron tàng hình") đang lây lan nhanh và hiện đã có khoảng 35.000 ca nhiễm. Ngày 14/3, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng Mỹ cần bổ sung cho quỹ phòng chống dịch COVID-19 để ứng phó với biến thể này, nếu không một số chương trình phòng chống dịch có thể bất ngờ bị chấm dứt hoặc giảm quy mô. Điều này có thể ảnh hưởng tới cách ứng phó của Chính phủ Mỹ đối với bất kỳ biến thể nào. Theo bà Psaki, các công cụ phòng chống COVID-19 hiện nay, bao gồm cả vaccine và thuốc điều trị, đều đã phát huy hiệu quả phòng chống dịch.
Tại các nước châu Mỹ khác như Peru và Ecuador, tình hình dịch COVID-19 cũng ghi nhận nhiều dấu hiệu cải thiện, cho phép nhà chức trách dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế. Ngày 14/3, Peru lần đầu tiên đã bắt đầu mở cửa lại trường học sau 2 năm đóng cửa do đại dịch. Theo Bộ Giáo dục Peru, khoảng 4,2 triệu học sinh trường công và 3 triệu học sinh trường tư thục sẽ đi học trở lại. Tiến trình mở cửa trở lại trường học dự kiến kéo dài tới ngày 28/3, khi toàn bộ học sinh được đi học trở lại. Cùng ngày, 1,8 triệu học sinh từ 5-18 tuổi trên khắp Ecuador cũng chính thức trở lại trường học sau 2 năm phải học trực tuyến vì COVID-19. Để thực hiện việc học tập trực tiếp hoàn toàn, các trường và học sinh được khuyến cáo thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, trong đó có đeo khẩu trang.
Tại Anh, vùng Scotland đang cân nhắc dỡ bỏ mọi biện pháp chống COVID-19 như kế hoạch. Theo khuôn khổ chiến lược về quản lý dịch bệnh, từ ngày 21/3, những biện pháp như đeo khẩu trang trong không gian kín như ở cửa hàng và trên phương tiện công cộng sẽ chỉ còn là khuyến nghị, thay vì yêu cầu bắt buộc theo luật định. Tuy nhiên, số liệu hiện tại cho thấy dịch COVID-19 đang lây nhiễm mạnh chưa từng có và nhiều bệnh viện ở Scoland đang quá tải, đặt ra vấn đề liệu có nên lùi thời hạn dỡ bỏ những biện pháp hạn chế cuối cùng này hay không. Dự kiến, trong ngày 15/3 (giờ địa phương), chính quyền vùng Scotland sẽ nhóm họp để đưa ra quyết định cuối cùng.
Tình hình dịch COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc ngày 14/3 ghi nhận 3.602 ca mắc mới COVID-19, gồm 3.507 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 95 ca nhập cảnh. Theo NHC, số ca mắc mới COVID-19 ngày 14/3 tăng mạnh so với 1.437 ca một ngày trước đó. Nếu tính cả 1.7 ca không triệu chứng (không được đưa vào số ca ghi nhận theo ngày), số ca mắc COVID-19 trong ngày 14/3 là trên 5.270 ca, tiếp tục lên mức cao nhất trong 2 năm kể từ khi dịch bùng phát.
Trong khi đó, ngày 15/3 là ngày thứ 4 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục vượt 300.000 ca. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận 362.3 ca mắc mới COVID-19 (phần lớn là các ca lây nhiễm trong cộng đồng), mức cao thứ hai sau mức kỷ lục 3.664 ca ghi nhận ngày 12/3 và tăng mạnh so với 309.790 ca ngày 14/3. Hàn Quốc cũng có thêm 93 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 293 ca trong tổng số 7.228.550 ca mắc.