Thế giới gần mốc 202 triệu ca mắc COVID-19; dịch tiếp tục phức tạp ở Đông Nam Á

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 22h00 ngày 6/8, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 201.933.142 ca nhiễm viurs SARS-CoV-2, trong đó số ca tử vong đã lên tới 4.285.077 người. Tổng cộng 181.651.107 người đã phục hồi.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Rio Grande do Sul, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, đã ghi nhận 63.5.749 ca nhiễm. Châu Âu ít hơn 10 triệu ca, hiện có 52.142.951 ca nhiễm. Con số này ở Bắc Mỹ là 43.324.436 ca trong khi của Nam Mỹ là 35.811.850 ca. Tuy nhiên, nếu xét theo số ca tử vong, châu Âu ghi nhận nhiều nhất với 1.139.862 ca, tiếp đến là Nam Mỹ hiện đã hơn 1 triệu ca, sau đó là Bắc Mỹ với 946.849 ca và châu Á với 922.464 ca.

Xét theo từng quốc gia, Mỹ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong. Số ca nhiễm ở Mỹ nhiều hơn của tất cả các nước Nam Mỹ cộng lại, hiện đã là 36.305.074 ca, trong khi số ca tử vong của nước này bằng 1/7 thế giới, hiện là 631.899 ca. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (560.801 ca) nhưng Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (31.861.775 ca). Bộ Y tế Ấn Độ ngày 6/8 ghi nhận 44.643 ca mới và 464 ca tử vong. Đây là số ca mới theo ngày cao nhất trong 1 tháng qua.

Tại châu Á, Philippines đã ghi nhận số ca mới theo ngày cao nhất trong gần 4 tháng qua. Ngày 6/8, Bộ Y tế nước này thông báo nước này ghi nhận 10.623 ca mới và thêm 247 ca tử vong. Kể từ khi dịch bùng phát, Philippines đã ghi nhận tổng cộng 1.6.345 ca, trong đó có 28.673 ca tử vong, đứng thứ hai tại khu vực Đông Nam Á về số ca mắc và tử vong do COVID-19. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia (MoH) ghi nhận 588 ca mới, cũng là mức cao nhất tính theo ngày. Tính đến ngày 6/8, Campuchia phát hiện tổng cộng 327 ca nhiễm biến thể Delta. Biến thể nguy hiểm này đã bắt đầu lây lan trong cộng đồng tại nhiều địa phương, buộc chính quyền phải mạnh tay áp dụng các biện pháp phong tỏa tại chỗ khi phát hiện ca nhiễm mới.

Thái Lan ngày 6/8 cũng ghi nhận số ca mới và tử vong ở mức cao nhất từ trước đến nay, trong khi gần 100.000 bệnh nhân ở thủ đô hiện đang thực hiện cách ly tại nhà. Bộ Y tế cho biết nước này có thêm 21.379 ca mới và 191 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 714.4 ca, trong đó có 5.854 ca tử vong. 

Tại Malaysia, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Hishamshah Mohd Ibrahim cho biết biến thể Delta đã trở nên phổ biến, dẫn tới sự gia tăng số ca mắc COVID-19. Theo ông Hishamshah, từ kết quả giải mã trình tự gene được Viện Nghiên cứu y học (IMR) và các phòng thí nghiệm khác thực hiện, biến thể Delta đã trở thành dòng virus lây nhiễm chính tại nước này.

Cùng ngày, thủ đô Manila của Philippines đã bị áp đặt phong tỏa trở lại trong bối cảnh giới chức thành phố đang nỗ lực làm giảm tốc độ lây lan của biến thể Delta và nới lỏng áp lực đối với các bệnh viện, đồng thời tránh gây tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế. Các chuyên gia cảnh báo nếu các biện pháp hạn chế không được siết chặt ở thủ đô Manila thì số ca mắc COVID-19 tăng mạnh có thể đẩy hệ thống y tế của thành phố vào tình trạng quá tải. 

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 15/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Lào, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận 267 ca mới, trong đó 10 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, tổng số ca tại Lào đã tăng lên 7.778 ca, trong đó có 7 người tử vong. 

Tại Nhật Bản, chính quyền vùng thủ đô Tokyo cho biết khu vực này đã ghi nhận 4.515 ca mới, trong khi đó tỉnh Osaka cũng chứng kiến con số buồn khi có tới 1.310 ca mới trong bối cảnh mối quan ngại gia tăng về nguy cơ hệ thống y tế tại Nhật Bản bị quá tải. Đây là ngày thứ hai liên tiếp thủ đô Tokyo ghi nhận số ca mới ở mức cao (một ngày trước là 5.042 ca). 

Cùng ngày, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc ghi nhận thêm 124 ca mới COVID-19 trong 24 giờ qua, gồm 80 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 44 ca nhập cảnh. Theo NHC, trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, 61 ca được phát hiện ở  tỉnh Giang Tô, 9 ca ở Hồ Nam, 6 ca ở Hồ Bắc trong khi vùng Nội Mông, Hà Nam, Hải Nam và Vân Nam mỗi nơi ghi nhận 1 ca.

Trong khi đó, giới chức y tế Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo rằng làn sóng lây nhiễm thứ 4 ở nước này chưa lên tới đỉnh điểm và các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) đang phải nỗ lực để xử lý số bệnh nhân nặng ngày một tăng. Không giống các làn sóng lây nhiễm trước đây, những bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch lần này ở Hàn Quốc chủ yếu ở độ tuổi dưới 60. Sau một tháng áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất (Cấp độ 4) nhưng vẫn không kiềm chế được sự lây lan của virus SARS-CoV-2, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định kéo dài biện pháp hiện tại thêm 2 tuần (đến hết ngày 22/8 tới). Ông Kwon Jun-wook cho rằng những hạn chế này là "cần thiết để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng ở các bệnh viện do quá tải". 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 4/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, Nga và Pháp hiện là hai nước ghi nhận số ca nhiễm cao nhất, đều đã trên 6,2 triệu ca. Anh đứng thứ ba với 5,9 triệu ca nhiễm trong khi Tây Ban Nha và Italy đều đã trên 4,3 triệu ca nhiễm. Xét về số ca tử vong, Nga đứng đầu với 163.301 ca, tiếp đến là Anh với 130.086 ca và Italy là 128.163 ca.

Dịch đang tiếp tục lây lan mạnh tại Thụy Điển với tỷ lệ lây nhiễm không còn được xem ở mức thấp. Giới chức y tế Thụy Điển cho rằng nguyên nhân khiến số ca mắc gia tăng là do hoạt đông du lịch nước ngoài tăng mạnh và các hoạt động của các hộp đêm chật cứng người ở thủ đô Stockholm. Tuần trước, Thụy Điển ghi nhận 3.451 ca mắc mới COVID-19, tăng 30% so với tuần trước. Điều này đồng nghĩa cứ 100.000 người lại có 59 ca mắc mới.

Cùng ngày, Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS) thông báo tỷ lệ mắc COVID-19 tại vùng England đã giảm trong tuần kết thúc vào ngày 31/7. Theo đó, cứ 75 người lại có 1 người dương tính với virus, trong khi tỷ lệ này cách đó 1 tuần là 1/65 người. Số liệu này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy số ca mắc COVID-19 đã giảm từ mức đỉnh vào ngày 17/7 với 54.674 ca. Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19 bất chấp sự lây lan của biến thể Delta.

Ngày 6/8, các nhà nghiên cứu Anh đã công bố những bằng chứng đầu tiên về việc biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sản sinh ra lượng virus như nhau ở những người đã tiêm vaccine và những người chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Cơ quan Y tế công cộng vùng England của Anh nêu rõ: "Một số phát hiện ban đầu... cho thấy lượng virus ở những người nhiễm biến thể Delta đã tiêm vaccine có thể tương tự với lượng virus ở những bệnh nhân chưa tiêm chủng". Tuy nhiên, cơ quan này nhấn mạnh đây mới chỉ là những phân tích ban đầu và cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu khác. 

Đã có nhiều nghiên cứu khẳng định tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 và nguy cơ bệnh chuyển nặng. Mới đây nhất, trong kết quả một nghiên cứu và khảo sát công bố ngày 4/8 do Đại học Hoàng gia London và công ty nghiên cứu thị trường Ipsos MORI thực hiện, các nhà khoa học đã phát hiện cứ 160 người thì có 1 người nhiễm virus SARS-CoV-2, với tỷ lệ mắc ở những người chưa tiêm vaccine là 1,2% trong khi tỷ lệ này ở những người đã tiêm đủ liều vaccine là 0,4%. Lượng virus ở bệnh nhân COVID-19 cũng thấp hơn ở những người đã tiêm vaccine. Nghiên cứu cũng nhận thấy những người đã tiêm đủ liều 2 mũi vaccine ít có nguy cơ truyền virus sang những người khác hơn những người chưa tiêm vaccine.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinopharm, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) thông báo nhóm nghiên cứu của Sinopharm đã phát hiện một kháng thể trung hòa mạnh mẽ chống lại biến thể Delta, có thể có hiệu quả trong việc phòng ngừa ngắn hạn và điều trị sớm bệnh COVID-19 do biến thể này gây ra. 

Thông báo trên trên tài khoản WeChat chính thức của Sinopharm nêu rõ nhóm nghiên cứu do ông Dương Hiểu Minh - Chủ tịch Tập đoàn công nghệ sinh học Quốc gia Sinopharm Trung Quốc (một công ty con của Sinopharm) đứng đầu - đã tìm thấy một kháng thể đơn dòng có thể ngăn chặn hiệu quả sự liên kết của virus SARS-CoV-2 với enzyme chuyển đổi Angiotensin 2. Enzyme này bám vào màng của các tế bào nằm trong ruột, thận, tinh hoàn, túi mật và tim và kháng thể có thể ngăn chặn virus lây nhiễm vào các tế bào. 

Sinopharm cho biết ứng dụng lâm sàng của kháng thể 2B11 đang tiến triển một cách có trật tự, với những hy vọng rằng nó có thể được sử dụng trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 ở Trung Quốc càng sớm càng tốt. Nghiên cứu này được kỳ vọng mang lại vũ khí hữu ích chống lại sự đột biến của virus SARS-CoV-2.

Tác dụng của vaccine trong việc giảm các ca bệnh nặng và tử vong vì COVID-19 là không thể bàn cãi. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều công ty lớn yêu cầu nhân viên tiêm chủng, lùi thời gian quay lại làm việc trực tiếp. Microsoft đã yêu cầu toàn bộ nhân viên của hãng phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước khi trở lại làm việc. Microsoft dự kiến mở cửa trở lại hoàn toàn các cơ sở ở Mỹ sớm nhất là vào ngày 4/10. Do vậy, bắt đầu từ tháng 9, Microsoft sẽ yêu cầu toàn bộ nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng và bất kỳ vị khách nào tới các tòa nhà của Microsoft ở Mỹ phải có giấy chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. 

Trong khi đó, tập đoàn thương mại điện tử Amazon xác nhận đang hoãn cho nhân viên trở lại văn phòng làm việc cho đến tháng 1/2022 thay vào tháng 9/2021 như kế hoạch ban đầu. Amazon cũng yêu cầu toàn bộ nhân viên phải đeo khẩu trang khi làm việc ở văn phòng, trừ những người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.

Tuần trước, hãng Google và Facebook cũng đã yêu cầu nhân viên phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước khi quay lại văn phòng làm việc. 

Nhiều công ty hoạt động trong ngành tài chính ở Mỹ lùi thời gian cho nhân viên trở lại làm việc, trong đó có tập đoàn quản lý đầu tư Black Rock, ngân hàng Wells Fargo và Ngân hàng Mỹ... trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại ở Mỹ do sự lây lan của biến thể Delta.

Mới đây nhất, hãng tin CNN của Mỹ đã sa thải 3 nhân viên vì vi phạm quy tắc an toàn chống dịch COVID-19 khi đến văn phòng làm việc mà chưa tiêm chủng vaccine. Chủ tịch CNN Jeff Zucker nêu rõ: “Chúng tôi có chính sách không khoan nhượng về vấn đề này”. Ông nhấn mạnh việc tiêm chủng là yêu cầu bắt buộc đối với các phóng viên đưa tin tại hiện trường, làm việc cùng các nhân viên khác hoặc đến văn phòng. Chủ tịch CNN cũng cho biết hãng truyền thông này đã quyết định lùi kế hoạch cho nhân viên đi làm trở lại hoàn toàn từ ngày 7/9 sang khoảng tháng 10. Hiện chỉ chưa đến 33% nhân viên bộ phận tin tức của CNN tại Mỹ được phép đến văn phòng làm việc.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Tel Aviv, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một diễn biến khác, Israel thông báo kết quả sơ bộ cuộc thử nghiệm thuốc dạng hít EXO-CD24 do Trung tâm Y tế Ichilov của Tel Aviv phát triển nhằm điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Kết quả thử nghiệm ở 88 bệnh nhân nặng cho thấy không một bệnh nhân nào phải thở máy. Thử nghiệm cũng được thực hiện tại Hy Lạp với 10 bệnh nhân ở tình trạng bệnh vừa và nặng, trong đó có người 85 tuổi. Trong vòng 5 ngày điều trị, đã có 9 người được xuất viện. Thông thường, các bệnh nhân COVID-19 thể vừa và nặng đều có nguy cơ phải nằm viện lâu và đặt nội khí quản. Tuy nhiên, với loại thuốc này, không có bệnh nhân nào cần tới phương pháp này và không có ca tử vong.

Giáo sư Nadir Arber, người sáng chế ra thuốc, cho biết kết quả này là rất đáng khích lệ và củng cố hy vọng của giới chuyên gia rằng loại thuốc này có thể thay đổi đường cong dịch tễ. Thông tin tích cực về thuốc EXO-CD24 được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước kém phát triển khó tiếp cận vaccine phòng COVID-19. Giáo sư Arber tin rằng loại thuốc này có thể mang lại hy vọng đáng kể cho các nước nghèo ở châu Phi và nhiều nơi khác. Theo ông, thuốc EXO-CD24 có thể được sản xuất đại trà với chi phí thấp. Đây có thể là một phần chiến lược chống COVID-19 cho các quốc gia hiện không có đủ khả năng tiêm chủng.

Bích Liên (TTXVN)
EMA: Còn quá sớm để khẳng định cần tiêm mũi vaccine bổ sung
EMA: Còn quá sớm để khẳng định cần tiêm mũi vaccine bổ sung

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 6/8 cho rằng còn quá sớm để khẳng định cần tiêm mũi bổ sung vaccine ngừa COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN