Chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã quyết định đóng cửa chợ Tân Phát Địa, khu chợ bán buôn lớn nhất thủ đô, để khử trùng sau khi các nhân viên làm việc tại đây và những khu vực xung quanh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Nhà chức trách y tế đã tiến hành xét nghiệm tất cả các nhân viên tại chợ sau khi phát hiện các ca nhiễm ngày 11 và 12/6 đã từng tới khu chợ này. Trong số 517 mẫu xét nghiệm có 61 kết quả dương tính. Giới chức Bắc Kinh cho biết thành phố đã phong tỏa 11 khu dân cư sau khi phát hiện các trường hợp nhiễm mới ở khu chợ trên. Hiện 9 trường học và nhà trẻ gần khu vực này cũng đã đóng cửa.
Trong khi đó, Ấn Độ đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày, với gần 11.500 ca trong ngày 13/6, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 309.603 ca. Với 8.890 ca tử vong, Ấn Độ đã vượt Anh trở thành nước có số ca tử vong cao thứ 4 thế giới. Bộ Y tế và phúc lợi gia đình cho biết số ca nhiễm đã tăng gấp đôi sau 17 ngày, và tăng thêm 100.000 ca chỉ trong 10 ngày qua.
"Thủ đô" tài chính Mumbai là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề tại Ấn Độ với hơn 2.000 ca tử vong. Chính quyền địa phương đã buộc phải phong tỏa Dharavi, một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á, trong suốt một tháng qua. Điều đáng lo ngại là trái ngược với xu hướng chung, tỷ lệ dương tính tại các bang này tăng dù mức xét nghiệm ở một số bang giảm. Dịch bệnh diễn biến phức tạp ghi nhận sau khi nước này đã nới lỏng lệnh phong tỏa áp dụng từ cuối tháng Ba vừa qua.
Tính đến 22h ngày 13/6, trên toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 7.779.429 ca nhiễm, trong đó có 429.067 ca tử vong. Hiện Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất, với hơn 2.121.000 ca nhiễm và hơn 116.900 ca tử vong. Sau Mỹ là Brazil với 831.064 ca nhiễm và 41.952 ca tử vong. Nga đứng thứ 3 về số ca nhiễm với 520.129 ca.
Khu vực châu Âu hiện ghi nhận 2.186.184 ca nhiễm, trong đó có 182.274 ca tử vong. Theo báo cáo mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), làn sóng nhiễm đã qua giai đoạn đỉnh điểm ở tất cả các nước thành viên, ngoại trừ Ba Lan và Thụy Điển. Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết nhờ các biện pháp hạn chế, các nước EU đã giảm được 80% số ca nhiễm so với thời điểm đỉnh dịch. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết tỷ lệ nhiễm ở Ba Lan và Thụy Điển hiện vẫn ở mức cao nhất. Trong khi tại các nước khác, tỷ lệ lây nhiễm mới trong thời gian 14 ngày hiện dưới 20 trường hợp trên 100.000 dân, Thụy Điển là quốc gia duy nhất có tỷ lệ lên tới trên 100 ca/100.000 dân.
Tại châu Phi, một số nước đã có thể hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh như Tunisia, Burkina Faso hay Maroc, dù nhiều nước khác như Nam Phi, Ai Cập và Nigeria vẫn gặp khó khăn thực sự trong ứng phó với dịch. Ba nước này hiện ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất châu lục, từ vài trăm cho đến vài nghìn ca nhiễm mới được ghi nhận sau 24 giờ.
Điều đáng quan ngại là đại dịch đang lây lan nhanh ở Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi với hơn 200 triệu dân. Trong khi đó, Nam Phi từng ghi nhận tỷ lệ tử vong do dịch thấp, nhưng nay lại đang chứng kiến tỷ lệ tử vong ngày càng tăng, với tổng cộng 1.354 ca tính từ khi đại dịch bùng phát. Với 1.442 ca tử vong, Ai Cập hiện là quốc gia có nhiều người tử vong vì COVID-19 nhất châu Phi. Tổng cộng, châu lục này đến nay ghi nhận 228.564 ca nhiễm và 6.101 ca tử vong.
Một tin mừng trong ngày 13/6 là các nhà nghiên cứu Chile tuyên bố đã phát hiện kháng thể “mạnh nhất thế giới” có khả năng chống lại SARS-CoV-2. Kháng thể trên do một loài lạc đà không bướu sản sinh ra và có thể đưa vào cơ thể người để trung hòa virus thông qua một ống hít qua đường mũi. Theo bác sĩ Alejandro Rojas, Trưởng Phòng Thí nghiệm công nghệ sinh học y tế tại trường Đại học Austral của Chile, kháng thể này có thể ngăn chặn hiệu quả khả năng sao chép của virus.
Những người được tiếp nhận kháng thể này có thể tự sản sinh ra nhiều kháng thể hơn về lâu dài trong khả năng miễn dịch của họ. Sau khi phân lập thành công kháng thể từ loài lạc đà không bướu, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Austral còn phải chứng minh khả năng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 của loại kháng thể này. Bác sĩ Rojas cho biết chi phí để thử nghiệm kháng thể mới có thể lên đến 2 triệu USD và nhấn mạnh rằng đây là "một vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu".
Trong một diễn biến khác, các chính phủ EU đã đồng ý giao cho Ủy ban châu Âu (EC) sử dụng quỹ khẩn cấp trị giá 2,4 tỷ euro để đặt mua trước các loại vaccine hứa hẹn đang trong quá trình nghiên cứu, bất chấp khả năng thất bại trong thử nghiệm lâm sàng. Đổi lại, EU sẽ được quyền tiếp cận ưu tiên với những lô vaccine đầu tiên. Theo kế hoạch, EU sẽ sử dụng phần lớn số tiền trong quỹ để mua trước 6 loại vaccine cho 450 triệu công dân của khối.
Liên quan việc này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng cần xem vaccine phòng virus SARS-CoV-2 là một hàng hóa công toàn cầu, và đảm bảo tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận công bằng đối với bất kì loại vaccine nào đang được phát triển. Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều quan ngại rằng một số quốc gia có thể tích trữ vaccine hoặc thuốc dùng để điều trị COVID-19, khiến các nước nghèo không thể tiếp cận.