Thế giới ghi nhận trên 7,5 triệu ca mắc, 419.973 ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 11/6 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 7.500.341 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 419.973 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 3.806.942 người.

Mỹ vẫn là tâm dịch thế giới với 2.069.973 ca nhiễm và 115.242 ca tử vong. Xếp sau đó là Brazil với 775.581 ca nhiễm và 39.803 ca tử vong, và Nga với 502.436 ca nhiễm và 6.532 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân tắm biển tại thành phố Miami, bang Florida, Mỹ ngày 10/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù vậy, các bãi biển ở thành phố Miami thuộc bang Florida, miền Nam nước Mỹ, đã lần đầu tiên mở cửa trở lại sau 3 tháng đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong khi đó, giới chức hạt Los Angeles thuộc bang California đã "bật đèn xanh" cho việc nối lại hoạt động sản xuất phim và chương trình truyền hình từ ngày 12/6. Tuy nhiên, các rạp chiếu phim tại đây vẫn phải tiếp tục đóng cửa.

Còn tại Brazil, chính quyền bang Sao Paulo - bang đông dân nhất và là tâm dịch COVID-19 của nước này, đã cho phép các cửa hàng nối lại hoạt động kinh doanh, đồng thời "bật đèn xanh" cho các trung tâm thương mại chuẩn bị mở cửa trở lại. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh bang Sao Paulo bước sang ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Theo Văn phòng Thống đốc bang Sao Paulo, bang này xác nhận thêm 340 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 9.862 ca, tương đương 25% tổng số ca tử vong trên cả nước.

Tuy nhiên, số liệu này không ngăn dòng người đổ đến một khu mua sắm sầm uất ở thành phố Sao Paulo, nơi khoảng 50% số cơ sở kinh doanh đã mở cửa trở lại. Hầu hết các cửa hàng đều yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang và sát khuẩn tay, trong khi một số cửa hàng yêu cầu đo thân nhiệt. Dự kiến, các trung tâm thương mại ở thành phố Sao Paulo và thành phố Rio de Janeiro sẽ mở lại đón khách trong ngày 11/6 (giờ địa phương).

Trong ngày 11/6, lãnh đạo 4 nước Visegrad (còn gọi là Nhóm V4, gồm CH Séc, Slovakia, Hungary và Ba Lan) đã nhóm họp tại lâu đài Lednice ở CH Séc, thảo luận gói cứu trợ kinh tế trị giá 750 tỷ euro (850 tỷ USD) của Liên minh châu Âu (EU). Đây là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra theo hình thức gặp mặt trực tiếp kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo nước này sẽ mở lại biên giới với các nước trong EU từ ngày 13/6 tới. Theo ông, Ba Lan cần khôi phục quan hệ thương mại với EU càng sớm càng tốt, vì hầu hết hàng xuất khẩu của Ba Lan là sang các nước EU. Các chuyến bay quốc tế tại nước này cũng có thể nối trở lại từ ngày 16/6.

Chú thích ảnh
Người dân nhận thực phẩm và hàng hóa cứu trợ tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 5/6/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Châu Phi đến nay ghi nhận 5.000 ca tử vong, trên tổng số 196.524 ca mắc COVID-19. Hiện dịch bệnh đã lây lan ở 54 quốc gia châu Phi, trong đó khu vực Maghreb (Bắc Phi) là nơi ảnh hưởng nhiều nhất về cả số ca mắc bệnh cũng như số ca tử vong. Riêng Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất châu lục với tổng số ca nhiễm lên tới 50.000 ca. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một trong những thách thức lớn nhất tại các nước châu Phi là vấn đề thiếu thốn vật tư y tế, cụ thể là các bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2. 

Tại Trung Đông, giới chức y tế Iran xác nhận số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này đã vượt mốc 180.000 người, sau khi có thêm 2.2 trường hợp mới trong 24 giờ qua. Hiện nước này có tổng cộng 180.156 người mắc bệnh, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 78 trường hợp, lên 8.584 người. 
Trong khi đó, Chính phủ Ai Cập đã ra thông báo về việc nối lại các chuyến bay và các hoạt động du lịch ở các tỉnh mà có ít ca mắc COVID-19 nhất. Kế hoạch này sẽ bắt đầu được thực hiện từ tháng Bảy tới. Ai Cập cũng thông báo miễn phí visa cho các khách du lịch trên các chuyến bay ngoài lịch trình cho đến cuối tháng Mười năm nay. Bộ Hàng không Ai Cập cũng quyết định giảm 50% phí hạ cánh và phí đỗ máy bay cho các máy bay được thuê chở khách tới các thành phố biển của quốc gia Bắc Phi này. Ngoài ra, Ai Cập cũng sẽ rút ngắn thời gian giới nghiêm vào ban đêm đang được áp dụng ở nước này. Cụ thể, thời gian giới nghiêm sẽ được thực hiện từ 20h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau thay vì 5h và sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 14/6 tới cho đến hết tháng này. 

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 15/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Đông Bắc Á, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã ghi nhận ca nhiễm mới đầu tiên sau gần 2 tháng. Bệnh nhân là một người đàn ông 52 tuổi. Người này kiểm tra sức khỏe tại một phòng khám vào ngày 10/6 do bị sốt. Ông cho biết bản thân chưa từng rời khỏi Bắc Kinh hay tiếp xúc với bất kỳ ai trở về từ nước ngoài trong 2 tuần gần nhất. 

Còn tại Đông Nam Á, Chính phủ Lào tuyên bố nước này đã giành chiến thắng ban đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, sau khi toàn bộ 19 bệnh nhân mắc bệnh đã được xuất viện và không có ca nhiễm mới nào trong gần hai tháng. Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith khẳng định chiến thắng ban đầu này là bước đi quan trọng đầu tiên, đồng thời nhấn mạnh có được chiến thắng này là nhờ sự đóng góp của toàn thể người dân Lào có ý thức trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Trong khi đó, giới chức Thái Lan ngày 11/6 cho biết nước này không ghi nhận ca nhiễm mới hay ca tử vong mới nào do COVID-19. Số ca nhiễm và tử vong ở Thái Lan vẫn ở mức lần lượt 3.125 ca và 58 ca. Đây là lần đầu tiên trong 3 tuần qua Thái Lan không có ca nhiễm mới trong ngày và ngày thứ 17 không có ca lây nhiễm trong nước.

Tất cả những trường hợp mắc bệnh gần đây đều từ nước ngoài trở về và đang được cách ly. Theo Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan, tổng cộng 2.987 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục ở nước này.

Thanh Phương (TTXVN)
Tình hình dịch bệnh ngày 8/6: Các nước từng bước thận trọng nới lỏng các biện pháp hạn chế
Tình hình dịch bệnh ngày 8/6: Các nước từng bước thận trọng nới lỏng các biện pháp hạn chế

Ngày 8/6, các quốc gia châu Âu tiếp tục thử nghiệm các bước nới lỏng hạn chế trong khi New Zealand tuyên bố chiến thắng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngay cả khi số ca mắc bệnh trên toàn cầu tăng vượt mốc 7 triệu người trong khi số ca tử vong vì dịch bệnh ở Nam Mỹ ngày một cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN