Thế giới ghi nhận trên 99,4 triệu ca mắc, 2,13 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 24/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 99,4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 2,13 triệu người tử vong do COVID-19.

Toàn thế giới có hơn 71,48 triệu người bình phục và vẫn còn 25,79 triệu người mang trong mình virus.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại bệnh viện ở Bangalore, Ấn Độ, ngày 16/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Với tổng số 25,56 triệu ca nhiễm và hơn 427.600 ca tử vong, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhất. Hiện nước này đang theo dõi chặt chẽ biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh, sau khi các quan chức Anh cảnh báo biến thể này có thể làm tăng tỷ lệ tử vong do dịch bệnh. Bên cạnh đó, giới chức y tế Mỹ cũng lo ngại về biến thể mới tại Nam Phi, dù Mỹ chưa ghi nhận trường hợp nào.

Đứng thứ hai về số ca nhiễm là Ấn Độ với hơn 10,6 triệu ca, trong đó hơn 153.300 ca tử vong. Với hơn 8,8 triệu ca mắc, trong đó có hơn 216.400 ca tử vong, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong do COVID-19.

Nỗi lo về các biến thể của SARS-CoV-2 tăng cao khi Anh ngày 24/1 đã phát hiện tổng cộng 77 ca nhiễm biến thể mới từ Nam Phi và 9 ca nhiễm biến thể mới từ Brazil. Hiện giới chức y tế Anh đang theo dõi chặt chẽ các trường hợp nhiễm biến thể mới ở cả Nam Phi và Brazil nhằm ngăn chặn sự lây lan các biến thể.

Chính phủ Anh đã gia hạn các quy định phong tỏa liên quan đến dịch bệnh cho đến ngày 17/7 tới, để đảm bảo các chính quyền địa phương tại vùng England có quyền đóng cửa các quán rượu, nhà hàng, cửa hàng và địa điểm công cộng. Tính đến thời điểm hiện tại, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên tới 97.329 ca trong số 3,61 triệu ca mắc, mức cao thứ năm trên thế giới.

Do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến căng thẳng, cảnh sát Đức đã bắt đầu siết chặt kiểm soát biên giới trong bối cảnh chính phủ liên bang vừa đưa hàng chục quốc gia vào danh sách có nguy cơ lây nhiễm cao đối với đại dịch COVID-19.

Các nước châu Âu nằm trong danh sách có Estonia, Latvia, Litva, Bồ Đào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha và CH Séc. Bên cạnh đó, Đức cũng sẽ kiểm soát chặt mọi trường hợp đến từ các nước phát hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 là Nam Phi, Brazil, Ireland và Anh. Hiện Đức đã ghi nhận hơn 2,13 triệu ca nhiễm, trong đó có 52.536 ca tử vong.

Cơ quan Y tế công Thụy Điển (SPHC) thông báo những người tới từ Na Uy cần phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2, đồng thời tránh tiếp xúc với những người khác khi trở về Thụy Điển. Nguyên nhân là do nhà chức trách Na Uy lo ngại về một đợt bùng phát lớn tại thủ đô Oslo liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh. Na Uy hiện đang gặp khó khăn trong việc khống chế sự lây lan của biến thể, do đó, Thụy Điển đang nỗ lực hết sức không để biến thể mới xâm nhập vào nước này.

Tại châu Á, số ca nhiễm mới tại một số nước Đông Nam Á vẫn tăng cao. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Indonesia đã có thêm 11.788 ca nhiễm mới và 171 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 989.262 ca và 27.835 ca.

Malaysia cũng đang trở thành tâm dịch ở Đông Nam Á, cùng ngày ghi nhận thêm 3.346 ca mắc, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 183.801 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 11 ca tử vong, nâng số trường hợp không qua khỏi lên 678 ca. Từ ngày 1/12/2020 tới nay, Malaysia đã ghi nhận thêm 350 ổ dịch COVID-19 mới, trong đó có 225 ổ dịch tại nơi làm việc, chiếm tỷ lệ 64,3%.

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận thêm 1.949 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này lên 513.619 ca, trong đó có 10.242 trường hợp không qua khỏi. Thái Lan ghi nhận thêm 198 ca mắc mới và 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca bệnh ở nước này lên 13.500 bệnh nhân và tổng số các trường hợp tử vong lên 73 người.

Trong khi đó, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cùng ngày cho biết nước này đã phát hiện trường hợp vật nuôi đầu tiên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông kêu gọi giới chức y tế xem xét khả năng lây truyền giữa con người và động vật và chia sẻ một cách minh bạch những phát hiện về người sống với vật nuôi hoặc thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại New Zealand, giới chức đang điều tra khả năng có ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên trong nhiều tháng. Trường hợp này là một phụ nữ 56 tuổi, trở về nước ngày 30/12/2020 và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau 2 tuần cách ly bắt buộc tại biên giới, nơi bà trước đó đã 2 lần có kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện chưa rõ người phụ nữ trên đã lây nhiễm từ trước hay mới mắc bệnh.

Liên quan tới công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Chính phủ Ấn Độ cho biết từ ngày 25/1 sẽ mở rộng phạm vi tiêm vaccine do nước này sản xuất, mang tên Covaxin, theo đó đưa thêm 7 bang vào danh sách triển khai tiêm chủng. Như vậy, 19 bang ở Ấn Độ sẽ thực hiện chương trình tiêm chủng với vaccine Covaxin. Tính đến thời điểm này, gần 1,6 triệu người ở Ấn Độ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chính phủ Pakistan cđã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga. Nhà nhập khẩu và phân phối vaccine sẽ là công ty dược phẩm địa phương AGP.

Trong bối cảnh các hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và AstraZeneca (Anh) thông báo giảm lượng cung cấp vaccine phòng COVID-19, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ buộc các công ty dược phẩm tôn trọng những hợp đồng đã ký về việc cung ứng vaccine phòng COVID-19 bằng cách sử dụng những công cụ pháp lý sẵn có.

Phương Oanh (TTXVN)
EU yêu cầu các hãng dược tôn trọng hợp đồng cung ứng vaccine ngừa COVID-19
EU yêu cầu các hãng dược tôn trọng hợp đồng cung ứng vaccine ngừa COVID-19

Ngày 24/1, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ buộc các công ty dược phẩm tôn trọng những hợp đồng đã ký về việc cung ứng vaccine phòng COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN