Tuy vậy, theo hãng thông tấn AFP, với việc tiếp cận vaccine không đồng đều trên thế giới cùng mối quan tâm ngày càng tăng về quyền riêng tư dữ liệu cá nhân, những dự án này đang nảy sinh nhiều mối lo ngại.
Hầu hết các chương trình đang được phát triển – đều hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại - ở dạng ứng dụng điện thoại thông minh với các tiêu chí khác nhau về một hồ sơ sức khỏe “trong sạch”.
Hộ chiếu vaccine là một ví dụ. Nó được xem là cách phổ biến để chứng minh miễn nhiễm với bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi các chương trình tiêm chủng đang được tiến hành trên toàn cầu.
Ngoài ra, còn có một số ứng dụng chấp nhận kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính để làm bằng chứng miễn dịch cho những người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 và đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng không có bằng chứng cho thấy người khỏi COVID-19 và có kháng thể với căn bệnh này sẽ không tái nhiễm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây lại đề xuất một hình thức chứng nhận khác gọi là “thẻ sức khỏe” để sử dụng trong nước. Giấy chứng nhận này chỉ có hiệu lực trong biên giới của Pháp nhưng sẽ cho phép một người đã được tiêm chủng đầy đủ được ăn uống tại nhà hàng cũng như tham dự một số sự kiện nhất định.
Cũng trong tuần này, Trung Quốc đã phát hành một dạng giấy chứng nhận sức khỏe kỹ thuật số cho 1,3 tỷ công dân, ghi rõ tình trạng tiêm vaccine và kết quả xét nghiệm với virus SARS-CoV-2.
Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus cũng vừa ra mắt hộ chiếu vaccine cho hành khách đến và đi từ Israel – quốc gia đã tiêm chủng cho 44% dân số.
Đan Mạch và Thụy Điển sẽ sớm triển khai hộ chiếu y tế. Trong khi Liên minh châu Âu (EU) hứa hẹn sẽ đề xuất một "thẻ thông hành xanh" để người dân dễ dàng đi lại trong toàn EU bất chấp sự phản đối của Pháp và Đức.
Tuy nhiên, thế giới hiện nay chưa có bất kỳ loại giấy thông hành chính thức nào cho phép một người tự do di chuyển giữa các quốc gia. “Hộ chiếu sức khỏe” của Trung Quốc nhằm giúp công dân dễ dàng ra nước ngoài, song lại không được công nhận bởi các quốc gia khác.
Hiện tại, các ứng dụng này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thủ tục kiểm tra sức khỏe khác nhau đang được thực hiện ở nhiều đất nước. Thông qua một số hãng hàng không thành viên, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế đã cung cấp thẻ kỹ thuật số cho phép hành khách dễ dàng chứng minh tình trạng sức khỏe bản thân trước khi lên máy bay.
Tuy nhiên, việc bắt buộc làm “hộ chiếu sức khỏe” để được du lịch có thể dẫn đến những thách thức pháp lý nhất định.
Nếu cấm những người chưa tiêm chủng đi du lịch sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng do thực tế người dân tiếp cận với vaccine COVID-19 chưa được rộng rãi. Ngoài ra, cách thức các ứng dụng trên sẽ xử lý thông tin cá nhân của người dùng ra sao cũng gây lo ngại.
Tại Pháp, giới chức năng đã xây dựng một cơ sở dữ liệu chính thức về những công dân đã tiêm vaccine COVID-19 và được cơ quan giám sát quyền riêng tư của nước này phê duyệt. Dù vậy, cơ quan này cảnh báo sẽ xem xét lại nếu cơ sở dữ liệu trên được dùng làm “hộ chiếu sức khỏe”.