Ngày 18-19/10, tại Brussels (Bỉ) đã diễn ra Diễn đàn Hợp tác châu Á-châu Âu (ASEM) lần thứ 12, với sự tham gia của nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ từ hơn 50 quốc gia châu Âu và châu Á. Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu.
Kết thúc hai ngày làm việc, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch khẳng định quyết tâm của các thành viên ASEM tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, đồng thời đề ra những định hướng nâng tầm hợp tác ASEM trong thời gian tới.
Theo nhận định của ông Jo Leinen, trưởng phái đoàn của Nghị viện châu Âu phụ trách quan hệ với Trung Quốc, các quốc gia châu Á “muốn một trật tự thế giới mà các cam kết và hướng dẫn phải rõ ràng” và “các quốc gia châu Á phù hợp với lợi ích của Liên minh châu Âu (EU)”.
“Trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ngày một khó đoán, mọi quốc gia đều tìm kiếm các liên minh và đối tác để có một mối quan hệ vững chắc. Hội nghị ASEM là cơ hội hoàn hảo cho các bên tụ họp và thể hiện sự đoàn kết theo các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế”, nhà ngoại giao Jo cho biết.
Sự kiện nổi bật nhất trong chương trình nghị sự Thượng đỉnh ASEM lần thứ 12 là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng phát từ vài tháng nay sau khi hai bên có các quyết định tăng thuế nhập khẩu với tổng số hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau.
Phát biểu trong Hội nghị, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đưa ra lời cảnh báo, kinh tế thế giới đang đối diện với những "cơn gió ngược" khi chính quyền của Tổng thống Trump không chỉ khơi mào cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc mà thậm chí còn nhằm vào EU. Điều nguy hiểm là các biện pháp trừng phạt kinh tế đang dần lấn át sự hợp tác kinh tế quốc tế, trở thành một công cụ phổ biến gia tăng sức ép chính trị và tạo cạnh tranh thiếu công bằng.
Bên cạnh cuộc chiến thương mại, hàng loạt vấn đề quan trọng với châu Âu và châu Á, như hạt nhân Triều Tiên, việc Mỹ hành xử đơn phương trong trừng phạt Iran, đến các triển vọng hợp tác kinh tế Á-Âu, đều đã được đem ra thảo luận tại diễn đàn.
Về vấn đề Iran, trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo tái khẳng định sự ủng hộ của Diễn đàn đối với Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), đồng thời lưu ý rằng dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Tehran là một phần thiết yếu của thỏa thuận.
Về triển vọng hợp tác kinh tế Á-Âu, các nhà lãnh đạo đã nghiêm túc thảo luận "Chiến lược kết nối châu Á" do EU đề xuất từ hồi tháng 9, đề cập đến các biện pháp cải thiện giao thông, kết nối kỹ thuật số và năng lượng giữa hai châu lục song song với cải thiện các tiêu chuẩn môi trường và lao động. Chiến lược này có thể được coi như một câu trả lời trước dự án tham vọng Trung Quốc mang tên “Vành đai và Con đường” (BRI) mà nhiều quốc gia lo ngại.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trên tinh thần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế; giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương của Liên hợp quốc (LHQ) và Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, cũng như thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và tự kiềm chế.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế để tìm giải pháp hòa bình và bền vững cho các cuộc xung đột và tranh chấp ở Trung Đông, châu Phi, châu Á…
Thành công của Hội nghị Cấp cao ASEM 12 đã tạo những động lực mới cho quan hệ đối tác năng động và gắn kết Á – Âu, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của ASEM trong cục diện đang định hình.