IMF, WB báo động về nguy cơ suy thoái
Những người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đều lên tiếng cảnh báo về nguy cơ gia tăng suy thoái toàn cầu trong năm 2023. Theo tờ Bloomberg, động thái trên được đưa ra trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển ghi nhận mức tăng trưởng chậm lại và lạm phát leo thang kỷ lục, buộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất, làm tăng thêm áp lực nợ đối với các quốc gia đang phát triển.
Phát biểu tại cuộc hội thảo thường niên của WB - IMF được tổ chức tại Washington mới đây, hôm 10/10, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết trong ba năm qua, thế giới đã phải trải qua những sự kiện khó tin và đang gây ra những hậu quả đáng kể như đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga – Ukraine cùng các thảm họa khí hậu. Theo bà, kinh tế toàn cầu đang chuyển từ một môi trường có lạm phát thấp và lãi suất thấp sang một thế giới "dễ biến động và mong manh hơn”.
Cụ thể, tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - thị trường lao động vẫn rất mạnh nhưng đang mất đi đà tăng trưởng do tác động từ chi phí đi vay cao hơn. Trong khi đó, khu vực đồng tiền chung Eurozone đang tăng trưởng chậm lại trước tình hình giá khí đốt tự nhiên tăng cao. Tình hình cũng tương tự ở Trung Quốc, khi đại dịch COVID-19 tiếp tục gây gián đoạn nền kinh tế cũng như sự biến động trong thị trường nhà ở.
IMF tính toán rằng khoảng một phần ba nền kinh tế thế giới sẽ chứng kiến ít nhất hai quý tăng trưởng âm liên tiếp trong năm nay và năm tới. Số tài sản bị thâm hụt cho đến năm 2026 sẽ là 4 nghìn tỷ USD, tương đương với quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức.
Bà Kristalina Georgieva kêu gọi các nhà hoạch định chính sách không nên để lạm phát trở thành một “đoàn tàu mất phanh” mà không thực hiện các biện pháp kiềm chế, song nên tính toán kỹ lưỡng để các biện pháp hỗ trợ tài khóa không thúc đẩy lạm phát. Theo IMF, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7% so với dự báo 2,9% mà IMF đưa ra hồi tháng 7. Tuy nhiên, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, sau mức tăng trưởng toàn cầu 6% năm 2021. Điều này phản ánh sản lượng cao hơn dự báo ở châu Âu song lại hoạt động kinh tế yếu kém ở Mỹ. Ngoài ra, tỉ lệ lạm phát trên toàn cầu sẽ lên tới 9,5% trong năm nay trước khi giảm xuống 4,1% vào năm 2024.
Chủ tịch WB David Malpass cũng cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ thực sự về suy thoái trong năm 2023. Trong nghiên cứu công bố vào giữa tháng 9 vừa qua, WB cảnh báo rằng nếu các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, thế giới có thể tiến tới cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023, với dự báo tăng trưởng chỉ đạt 0,5%.
Theo ông Malpass, sức mạnh của đồng USD đang làm suy yếu tiền tệ của các quốc gia đang phát triển, khiến nợ công gia tăng rõ rệt. Ông giải thích: "Đồng tiền mất giá có nghĩa là gánh nặng nợ đối với các nước đang phát triển ngày càng trở nên nặng nề hơn. Việc tăng lãi suất cũng sẽ gây thêm sức nặng cho các khoản nợ đó. Và lạm phát vẫn cũng là một vấn đề lớn đối với tất cả người dân, đặc biệt là đối với người nghèo".
Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ
Ngày 12/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia chính thức đầu tiên,. Bản báo cáo này dự kiến được công bố vào năm ngoái, song đã bị trì hoãn do nguy cơ bùng phát chiến tranh ở Ukraine khi đó. Bản tài liệu dài 48 trang trên tuyên bố rằng thách thức lớn nhất đối với nước Mỹ trong những năm tới sẽ là cạnh tranh với các đối thủ, cùng lúc đó là tập trung vào vấn đề khôi phục nền dân chủ trong nước.
Theo các nhà phân tích, Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền Tổng thống Biden không thể hiện sự thay đổi lớn về lập trường, cũng như không đưa ra học thuyết chính sách đối ngoại mới nào. Thay vào đó, nó nêu bật quan điểm rằng vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới chính là chìa khóa để vượt qua các mối đe dọa toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và xu hướng gia tăng của chủ nghĩa độc tài.
Văn kiện này khẳng định Mỹ phải giành chiến thắng trong kỷ nguyên cạnh tranh hiện nay, nếu muốn duy trì tầm ảnh hưởng của mình. Trong bài phát biểu để làm rõ chiến lược mới, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington cần điều chỉnh mối quan hệ với Bắc Kinh, cùng lúc đối phó với các thách thức xuyên quốc gia bao gồm biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, bệnh truyền nhiễm, khủng bố, chuyển đổi năng lượng và lạm phát. Cố vấn Sullivan cũng lặp lại bình luận mới đây của Tổng thống Biden rằng Mỹ đang đánh giá lại mối quan hệ với Saudi Arabia sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC +) thông báo sẽ cắt giảm sản lượng trước sự phản đối của Washington.
Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận xét chiến lược này phù hợp với các ưu tiên mà ông Biden đã đặt ra là đổi mới trong nước, tăng cường liên minh và các thể chế dân chủ, cân bằng hợp tác và cạnh tranh. Tuy nhiên, theo ông, sau 21 tháng nghiên cứu, chiến lược của ông Biden rõ ràng đã chuyển sang hướng tập trung quá nhiều vào cạnh tranh với Trung Quốc.
Trong khi đó, Chiến lược An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Biden cáo buộc Nga gây ra mối đe dọa tức thời và dai dẳng đối với hòa bình và ổn định quốc tế". Tài liệu trên nhấn mạnh rằng Mỹ và các nước đồng minh đang hỗ trợ quân sự cho các lực lượng Ukraine và tăng cường phòng thủ ở các nước NATO láng giềng với Nga, đồng thời trừng phạt Moskva vì cuộc xâm lược này.
Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Bideyn nhấn mạnh Mỹ không tìm kiếm xung đột hoặc một cuộc chiến tranh lạnh mới, đồng thời muốn tránh tình huống mà trong đó cạnh tranh leo thang biến thế giới thành các khối tách biệt. Nhà Trắng cho hay chiến lược này khởi nguồn từ các lợi ích quốc gia của Mỹ: đó là bảo vệ an ninh của người dân Mỹ, mở rộng cơ hội kinh tế, hiện thực hóa và bảo vệ các giá trị dân chủ theo lối sống Mỹ.