EU cấm nhập khẩu phần lớn dầu mỏ Nga
Gói trừng phạt thứ sáu của Liên minh châu Âu nhằm vào Moskva vẫn cho phép một số thành viên tiếp tục mua dầu, nhưng sẽ tác động đến khoảng 75% lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga của khối. Động thái này ngay lập tức khiến giá dầu thế giới tăng lên.
Kênh truyền hình RT đưa tin sau nhiều tuần cân nhắc, ban lãnh đạo EU ngày 30/5 thông báo các nước thành viên đã đạt được đồng thuận về vòng trừng phạt chống lại Nga lần thứ sáu. Gói trừng phạt này vừa chính thức được thông qua hôm 3/6. Theo đó, Hungary và Bulgaria sẽ tiếp tục mua dầu của Nga, nhưng hầu hết các tuyến đường nhập khẩu khác sẽ bị chặn.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết lệnh cấm vận một phần này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 75% lượng dầu nhập khẩu của Nga và tỷ lệ này sẽ tăng lên 90% vào cuối năm nay.
Là nước thành viên nhiều lần phủ quyết đề xuất trừng phạt hoàn toàn dầu Nga, Thủ tướng Viktor Orban cho biết Hungary đã được miễn trừ khỏi các hạn chế thương mại trên. Ông chia sẻ trên mạng xã hội rằng: “Các gia đình Hungary đã có thể ngủ ngon”.
Chính phủ Bulgaria cho biết họ cũng được miễn trừ cho đến năm 2024. Theo lời giải thích của Thủ tướng Kiril Petkov, đất nước Bulgaria cần thêm thời gian để chuyển nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu từ dầu thô của Nga sang các nguồn khác.
Slovakia và Séc, được kết nối bởi cùng một đường ống dẫn dầu với Hungary, cũng vẫn có thể mua dầu của Nga ít nhất là trong một khoảng thời gian tới.
EU đang tìm cách loại bỏ Nga với tư cách là nhà cung cấp năng lượng chủ chốt của thị trường châu Âu. Nhiều tuần gần đây, Hungary đã phản đối đề xuất của Brussels về việc cắt giảm toàn bộ lượng dầu nhập khẩu nhập khẩu của Nga, vì cho rằng nước này không thể tìm ra nguồn nhiên liệu thay thế ngay lập tức. Quốc gia không giáp biển này tiếp nhận khoảng 60% lượng dầu thô của Nga thông qua đường ống Druzhba từ thời Liên Xô cũ, đồng thời không thể đưa ra phương án nhập khẩu dầu bằng đường biển.
Gói trừng phạt thứ sáu yêu cầu sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia EU. Vì vậy, trường hợp của Hungary đã khiến các lệnh trừng phạt theo đề xuất kể từ đầu tháng 5 bị trì hoãn kéo dài. Phiên bản mới nhất của gói trừng phạt miễn áp dụng tạm thời đối với hình thức nhập khẩu qua đường ống của Nga, thay vào đó nhắm mục tiêu vào các chuyến giao hàng bằng đường biển. Các nhà lãnh đạo EU khẳng định sẽ cấm đường ống dẫn dầu của Nga trong tương lai.
Lệnh cấm vận dầu mỏ trên của EU nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế Nga để phản đối chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các quốc gia khác không ủng hộ chiến dịch trừng phạt do Mỹ dẫn đầu, như Ấn Độ hoặc Trung Quốc.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, từng viện dẫn điều này khi giải thích về nguyên nhân EU chưa đưa ra biện pháp trừng phạt trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ. “Nếu chúng tôi ngay lập tức cắt giảm, Nga có thể đưa số dầu không bán cho Liên minh châu Âu ra thị trường thế giới và bán nó với giá cao hơn”, bà trả lời kênh MSNBC hồi tuần trước.
Gói biện pháp mới nhất cũng loại bỏ Sberbank - ngân hàng lớn nhất của Nga - khỏi hệ thống viễn thông tài chính toàn cầu SWIFT. Ngoài ra, ba đài truyền hình của Nga cũng bị cấm hoạt động ở EU.
Ngày 2/6, Nga cảnh báo quyết định cấm vận dầu mỏ của EU có thể gây mất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu, đồng thời cho rằng đây là bước đi phản tác dụng của liên minh này. Điện Kremlin khẳng định hành động này của EU cũng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của liên minh.
Bộ Ngoại giao Nga còn cho rằng EU và Mỹ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nguy cơ làm trầm trọng thêm vấn đề năng lượng và lương thực toàn cầu vốn do các hành động bất hợp pháp của EU gây ra.
Trong động thái tương tự để gây sức ép lên Moskva, Bộ Tài chính Mỹ ngày 2/6 thông báo đã áp đặt vòng trừng phạt mới liên quan đến Nga, nhằm vào 17 cá nhân, trong đó có ông Sergei Roldugin - bạn thân của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đưa thêm 71 đảng phái ở Nga và Belarus vào “Danh sách thực thể”, qua đó hạn chế những thực thể này tiếp cận các mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ.
Ngày 3/6/2022 đánh dấu mốc cuộc xung đột Nga-Ukraine bước sang ngày thứ 100. Sau khi tạm chuyển hướng khỏi khu vực thủ đô Kiev, lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tập trung tiến đánh vùng phía Đông Ukraine, làm dấy lên những cảnh báo về nguy cơ chiến tranh kéo dài. Xung đột đã dẫn đến giá cả các nhu yếu phẩm từ ngũ cốc, dầu hướng dương đến ngô, leo thang trong khi các hộ nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nguy cơ đậu mùa khỉ đã âm thầm lây lan
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/6 thông báo đã ghi nhận hơn 550 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại trên 30 quốc gia, trong bối cảnh virus này tiếp tục lây lan trên toàn cầu.
Kênh truyền hình CBC dẫn lời Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sự xuất hiện đột ngột của bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy khả năng virus này từ lâu đã âm thầm lây lan bên ngoài các quốc gia Tây Phi và Trung Phi, nơi nó thường được tìm thấy.
Theo Tiến sĩ Rosamund Lewis, trưởng nhóm kỹ thuật bệnh đậu mùa khỉ của WHO, virus có thể đã lây truyền trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, mặc dù các cuộc điều tra vẫn chưa đưa ra được câu trả lời rõ ràng.
“Chúng tôi thực sự không biết liệu đã quá muộn để khống chế căn bệnh này hay chưa. Điều mà WHO và tất cả các quốc gia thành viên đang cố gắng làm là ngăn chặn sự lây lan về sau”, bà Lewis phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva cùng ngày. Cô cho biết biện pháp truy vết tiếp xúc và cách ly những bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ là rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan.
Mặc dù hầu hết các trường hợp mắc bệnh là những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới, người đứng đầu WHO cho hay rằng bất cứ ai cũng có thể mắc đậu mùa khỉ sau khi tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân, đồng thời cảnh báo chống lại việc kỳ thị người đồng tính.
Ông Tedros cho biết các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường sẽ tự hết, mặc dù một số trường hợp có thể chuyển nặng. Hiện chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào trong các đợt bùng phát hiện tại ở Bắc Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, thực tế là căn bệnh bắt nguồn từ loài khỉ này chưa lây lan trong các nhóm dân cư dễ bị tổn thương hơn như phụ nữ mang thai và trẻ em.
Hơn 70 trường hợp tử vong do bệnh đậu mùa ở khỉ đã được báo cáo tại 5 quốc gia châu Phi vào năm 2022. Số ca bệnh ngày càng gia tăng ở Congo trong những năm gần đây có thể là do chương trình tiêm phòng bệnh đậu mùa đã bị tạm dừng vào năm 1980. Bệnh đậu mùa khỉ thuộc cùng họ virus với bệnh đậu mùa, tuy nhiên bệnh này nhẹ hơn. Bà Rosamund Lewis cho biết: “Khả năng miễn dịch tập thể trong cộng đồng kể từ thời điểm đó không còn giống như ở thời điểm vừa xóa sổ bệnh đậu mùa”.
WHO và các nước thành viên đã duy trì dự trữ vaccine đậu mùa, nhưng chúng không đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành. Ngoài ra, các loại vaccine và phương pháp điều trị bệnh đậu mùa thế hệ mới lại có nguồn cung hạn chế.
Dù vậy, cơ quan y tế thế giới này không khuyến cáo các nước tiêm chủng đại trà phòng bệnh đậu mùa khỉ cho người dân. Theo giải thích của bà Lewis, hiện tại, virus chủ yếu lây lan trong một cộng đồng cụ thể là những người đồng tính nam và điều quan trọng là cung cấp thông tin cho các cá nhân trong cộng đồng đó tự bảo vệ mình và ngăn virus lây lan.
Các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lớn nhất bên ngoài châu Phi hiện xảy ra ở châu Âu, đặc biệt là Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Mỹ đã báo cáo ít nhất 15 trường hợp trên 9 tiểu bang.
Bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với các triệu chứng tương tự như bệnh cúm, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Sau đó, các nốt phát ban đỏ ứ mủ sẽ xuất hiện trên cơ thể. Bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan qua tiếp xúc da kề da lâu dài. Bệnh nhân được cho là không còn khả năng lây nhiễm sau khi nốt viêm mủ biến mất và lên da non.