Mỹ không ngồi yên sau vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ tại Saudi Arabia
Sáng sớm 14/9, tại mỏ dầu Khurais và cơ sở lọc dầu Abqaiq do doanh nghiệp dầu khí quốc doanh Saudi Aramco sở hữu đã xảy ra vụ nổ dẫn tới hỏa hoạn trong nhiều tiếng đồng hồ và gây tổn thất lớn.
Sản lượng sản xuất dầu của Saudi Arabia đã giảm đáng kể sau khi cơ sở lọc dầu Abqaiq, cách thủ đô Riyadh 330km bị tấn công.
Một đội pháp y từ Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ đang nghiên cứu những mảnh vỡ tên lửa hành trình và máy bay không người lái trong vụ tấn công ngày 14/9.
Ngày 20/9, Mỹ đã quyết định cử thêm binh sĩ tới Trung Đông sau vụ tấn công nói trên, với lý do cần tăng cường an ninh tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhận định đây mới chỉ là bước đầu và không loại trừ khả năng Mỹ sẽ có thêm nhiều động thái khác. Cả Saudi Arabia và UAE đều đề nghị Mỹ nâng cấp khả năng phòng không và chống tên lửa.
Bộ trưởng Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford đều cho biết chi tiết về việc điều động thêm quân số sẽ được quyết định trong những ngày tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 20/9 nhấn mạnh việc ông kiềm chế động binh đã cho thấy ‘sức mạnh” và thay vào đó sẽ áp đặt thêm trừng phạt kinh tế vào Iran.
Mặc dù lớn tiếng với Iran nhưng có hai lý do Tổng thống Trump vẫn phải kiềm chế động binh đó là: thứ nhất Mỹ không có hiệp định đồng minh chính thức với Saudi Arabia vì vậy không bắt buộc phải cử binh sĩ để bảo vệ; thứ hai ông chủ Nhà Trắng Trump từng nêu chủ trương đưa Mỹ ra khỏi những cuộc chiến tranh không cần thiết tại Trung Đông vì vậy việc kích động cuộc chiến tranh mới không phải là “thượng sách”.
Xem video các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia sau khi bị tấn công (nguồn: RT)
Iran trong khi đó bác bỏ cáo buộc có liên quan tới vụ tấn công cơ sở dầu mỏ Saudi Arabia đồng thời cảnh báo Mỹ rằng bất cứ cuộc tấn công nào cũng phải nhận đòn đáp trả lập tức từ Tehran.
Phiến quân Houthi đã nhận trách nhiệm trong vụ tấn công kèm theo cảnh báo gửi tới Saudi Arabia là các mục tiêu sẽ tiếp tục mở rộng. Mỹ cho rằng phiến quân Houthi chưa đủ khả năng dùng máy bay không người lái để vượt chặng đường xa tới tấn công các cơ sở dầu mỏ Saudi Arabia. Như vậy theo Mỹ, thủ phạm “hợp lý nhất” phải là Iran.
Tuy nhiên, kênh RT (Nga) cho biết có khả năng phiến quân Houthi đã đạt được năng lực sử dụng máy bay không người lái tiên tiến để tấn công. Houthi vốn đã sử dụng máy bay không người lái từ khi liên quân do Saudi Arabia và UAE khởi động chiến dịch tại Yemen từ tháng 3/2015.
Các quan chức Saudi Arabia và Mỹ đều khẳng định có bằng chứng cho thấy Iran liên quan đến vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ tại Saudi Arabia.
Saudi Arabia ngày 18/9 đã công bố các mảnh vỡ tên lửa và máy bay không người lái để cáo buộc Iran có liên quan. Chính phủ Nhật Bản sau đó lên tiếng cho rằng chưa thấy bằng chứng đủ thuyết phục để khẳng định Iran là thủ phạm. Pháp tuyên bố sẽ cử các nhà điều tra của chính nước này tới đánh giá tình hình.
Ngày 18/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết đã cử các chuyên gia tới Saudi Arabia để điều tra về vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia.
Nhân vật mới giữ ghế Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ
Tổng thống Donald Trump ngày 9/9 đăng trên mạng xã hội Twitter rằng ông Bolton không còn làm việc tại Nhà Trắng. Ông Trump bày tỏ không đồng tình với nhiều đề xuất của Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton. Về phần mình, ông Bolton đã lên mạng xã hội Twitter thông báo về việc từ chức.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây tiếp tục đăng trên Twitter tuyên bố ông sẽ bổ nhiệm luật sư kiêm nhà đàm phán con tin Robert O'Brien là nhân vật đảm nhiệm chiếc ghế Cố vấn An ninh Quốc gia do ông John Bolton để trống.
Ông O'Brien sau đó chia sẻ hiện tồn tại nhiều thách thức nhưng việc được giữ vị trí cố vấn an ninh quốc gia là một vinh hạnh.
Quyết định chọn ông O'Brien của Tổng thống Trump diễn ra ở thời điểm “nóng” về vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, sự kiện mà Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm. Ông O'Brien từng chỉ trích chính sách của cựu Tổng thống Obama với Iran, đặc biệt là thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015.
Ngoài ra, ông O'Brien cũng từng cảnh báo về “nỗ lực của Trung Quốc trong mục tiêu đạt năng lực hàng hải tối cao tại Đông Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương".
Ông O'Brien là cử nhân Luật tại Đại học California, Berkeley. Ngoài ra, ông O'Brien cũng theo học khoa học chính trị tại Đại học California, Los Angeles. Từ năm 1996-1998, ông O'Brien làm việc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Năm 2005, Tổng thống Mỹ khi đó George W Bush đề cử ông O'Brien giữ chức đại diện Mỹ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và Thượng viện Mỹ đã thông qua đề cử này. Thời điểm đó, ông O'Brien công tác cùng ông Bolton – là Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc.
Năm 2018 ông O'Brien đã hỗ trợ nỗ lực trả tự do cho nhà truyền giáo người Mỹ Andrew Brunson bị giam tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hai năm. Đầu năm 2019, ông cũng góp sức trong vụ thả công dân Mỹ Danny Burch bị giam tại Yemen.
Tờ Al-Jazeera đưa tin ông O'Brien hiện giữ vị trí đặc phái viên đặc biệt của Tổng thống tại Bộ Ngoại giao về vấn đề con tin. Trước đây, ông cũng làm việc trong chính quyền Mỹ và là cố vấn của nhiều cựu ứng cử viên Tổng thống.
Cựu thành viên Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Barack Obama – ông Joel Rubin đánh giá ông O'Brien là nhân vật nhiều khả năng không đe dọa tới nền tảng chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump.
Khi đề cập đến cựu Cố vấn an ninh quốc gia Bolton, ông Trump thừa nhận hai người đã bất đồng trong nhiều vấn đề.
Cựu phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Obama- ông Ned Price đánh giá: “Tổng thống Trump sau kinh nghiệm với trường hợp của ông Bolton rõ ràng không còn muốn một nhân vật có cá tính hoặc tư tưởng quá mạnh giữ vị trí cố vấn an ninh quốc gia”.