Mỹ bắt tay nhiều nước mở kho dự trữ dầu
Mỹ đã phối hợp cùng một số quốc gia mở kho dự trữ dầu chiến lược với mục tiêu hạ giá “vàng đen” vốn đã tăng cao trong thời gian gần đây và góp phần tăng nguy cơ lạm phát. Nhà Trắng ngày 23/11 tuyên bố Mỹ sẽ tung 50 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ Chiến lược của nước này. Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Anh cũng có động thái tương tự.
50 triệu thùng dầu mà Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ là số dầu lớn nhất từng được tung ra trong lịch sử Mỹ, gấp đôi những lần trước. Theo Bộ Năng lượng, số dầu này tương đương 8% trong tổng số 621 triệu thùng dầu dự trữ của Mỹ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết mới có ba đợt phối hợp xuất kho dự trữ dầu kể từ khi cơ quan này được thành lập vào năm 1974: trước Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, sau khi cơn bão Katrina và Rita làm hư hại các cơ sở dầu ở Vịnh Mexico năm 2005 và khi chiến tranh xảy ra ở Libya năm 2011.
IEA không tham gia sáng kiến mở kho dự trữ dầu do Mỹ dẫn đầu nhưng cơ quan này nêu rõ: “Chúng tôi ghi nhận rằng giá dầu tăng đã gây áp lực lên người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh nguy cơ lạm phát ở thời điểm phục hồi kinh tế vẫn chưa ổn định và có nhiều rủi ro”.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết việc nhiều quốc gia phối hợp nhằm hạ giá dầu bắt nguồn từ việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+ ,đã phớt lờ đề nghị tăng lượng dầu đổ ra thị trường.
Giá dầu thô gần đây đã chạm mức cao nhất trong 7 năm và người tiêu dùng đang cảm thấy tác động. Giá xăng bán lẻ đã tăng hơn 60% trong năm 2020, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2000, phần lớn là do người dân lưu đi lại nhiều trở lại khi các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 được nới lỏng.
OPEC+ có lịch trình họp trực tuyến vào ngày 2/12 để thảo luận về chính sách nhưng cho đến nay vẫn chưa cho thấy dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ thay đổi chiến lược.
OPEC+ đã phải vật lộn để đạt được chỉ tiêu hiện có dựa trên thỏa thuận tăng dần sản lượng lên 400.000 thùng/ngày mỗi tháng - tốc độ mà Mỹ cho là quá chậm. OPEC+ quan ngại rằng sự bùng phát trở lại dịch COVID-19 có thể làm giảm nhu cầu dầu.
Ông John Kilduff tại công ty tư vấn đầu tư Again Capital LLC (Mỹ) đánh giá việc Mỹ phối hợp cùng một số quốc gia châu Á mở kho dự trữ dầu “gửi tín hiệu đến OPEC+ rằng các nước tiêu thụ dầu mỏ sẽ không bị động. OPEC+ đã keo kiệt với sản lượng của họ trong nhiều tháng”.
Trước khi Mỹ công bố thông tin, Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail Al-Mazrouei cho biết ông việc nâng nguồn cung dầu của UAE cho thị trường toàn cầu là không hợp lý.
Trong một diễn biến khác, thông tin đáng lo ngại về biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Nam Phi đã khiến giá dầu giảm mạnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp nó vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại".
Theo tờ Guardian (Anh), sự xuất hiện của biến chủng mới dẫn đến tâm lý lo ngại về viễn cảnh hạn chế đi lại và các hoạt động kinh tế gặp khó khăn khi vừa bắt đầu hồi phục. Chiều 26/11, giá dầu toàn cầu đã giảm trên 10% xuống còn 73,45 USD/thùng và là mức hạ giá cao nhất kể từ tháng 4/2020. Nguyên nhân là các quốc gia áp dụng hạn chế nhập cảnh để tránh lây lan biến thể Omicron từ một số quốc gia châu Phi.
Các quốc gia tức tốc kiềm chế rủi ro từ biến thể Omicron
Gần 2 năm kể từ khi COVID-19 xuất hiện, thế giới đang phải đối mặt với một nguy cơ lớn hơn từ đại dịch này, đó là biến thể Omicron. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định về biến thể mới: “Nó lây lan nhanh chóng. Tôi quyết định rằng chúng ta cần phải cẩn trọng”.
Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), những bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron có nguy cơ lây lan mạnh hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2, điều này đồng nghĩa với việc những người từng mắc COVID-19 và hồi phục vẫn có nguy cơ tái nhiễm vì Omicron. Omicron có đến 32 đột biến trong protein gai, có thể tác động đến mức độ lây lan. Sẽ cần nhiều tuần để xác định được liệu những loại vaccine COVID-19 hiện tại có hiệu lực với Omicron hay không.
Đã có các ca mắc Omicron được ghi nhận tại Bỉ, Hong Kong (Trung Quốc) và Israel cũng như ở miền Nam châu Phi. Các chuyên gia Nam Phi cho biết chưa thể xác định liệu Omicron có gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn hay không. Cũng như các biến thể khác, một số người mắc Omicron không thể hiện bất cứ triệu chứng nào.
Mặc dù một số thay đổi về gien trong biến thể này gây lo ngại nhưng chưa rõ mức độ đe dọa với y tế công cộng của Omicron. Một số biến thể khác, như Beta, ban đầu cũng khiến các nhà khoa học quan ngại nhưng lại không lây lan xa.
Mỹ, Canada, Nga và nhiều quốc gia đã áp đặt hạn chế nhập cảnh với du khách từ phía Nam châu Phi - nơi có nhiều trường hợp mắc Omicron. Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ hạn chế nhập cảnh người từ Nam Phi và một số quốc gia khác trong khu vực từ ngày 29/11.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các chuyến bay sẽ phải “tạm dừng cho đến khi chúng tôi hiểu rõ về mối nguy hiểm do biến chủng mới này gây ra và những du khách trở về từ khu vực này nên tôn trọng các quy tắc cách ly nghiêm ngặt”. Bà cảnh báo rằng đột biến có thể dẫn đến tình huống khẩn cấp và nhiều biến thể đáng lo ngại hơn có thể lây lan trên toàn thế giới trong vòng vài tháng.
Một số chuyên gia đánh giá rằng sự xuất hiện của Omicron là do các quốc gia giàu có tích trữ vaccine COVID-19 dẫn đến nguy cơ kéo dài đại dịch. Chưa đầy 6% người dân châu Phi được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine COVID-19, trong khi đó hàng triệu nhân viên y tế và nhóm rủi ro tại khu vực này chưa được tiêm mũi vaccine nào. Điều này có thể đẩy nhanh tốc độ lây lan virus, “mở cửa” để các biến thể mới nguy hiểm hình thành.
Lo ngại về ảnh hưởng kinh tế do biến thể Omicron đã khiến thị trường chứng khoán tại châu Á, châu Âu và Mỹ lao dốc. Chỉ số Hang Seng (Hong Kong, Trung Quốc) giảm 2,7% giá trị, còn chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) hạ tới 2,5% giá trị. Các chỉ số lớn tại châu Âu như FTSE100, CAC40 (Pháp) và DAX (Đức) đều giảm trong khoảng 3-4%. Thị trường Mỹ trong phiên giao dịch ngắn ngày 26/11 ghi nhận chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều giảm gần 2%.