Khởi đầu chính quyền Mỹ mới
Ngày 20/1, nước Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung đã chứng kiến lễ nhậm chức đặc biệt chưa từng có trong lịch sử dành cho tân Tổng thống Joe Biden. Với sự đảm bảo an ninh nghiêm ngặt của 25.000 Vệ binh Quốc gia cùng nhiều lực lượng khác, lễ nhậm chức đã diễn ra suôn sẻ, đánh dấu một trang mới trong lịch sử nước Mỹ.
Ngay trong ngày đầu tiên làm việc tại Nhà Trắng, vị Tổng thống thứ 46 của Mỹ đã ký một loạt sắc lệnh nhằm giải quyết những vấn đề như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng giữa các sắc tộc, đồng thời đảo ngược một số chính sách đã được người tiền nhiệm Donald Trump triển khai, bao gồm khởi động tiến trình đưa Washington quay trở lại tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trước nhiệm vụ khó khăn trước mắt là hàn gắn nước Mỹ vốn đang bị chia rẽ sau hàng loạt biến cố, đồng thời vực dậy một nền kinh tế và xã hội đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tân Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch dập dịch COVID-19 và ký sắc lệnh cứu trợ kinh tế.
Trong kế hoạch ngăn chặn COVID-19, nhà lãnh đạo khuyến khích người Mỹ đeo khẩu trang, bắt buộc đeo khẩu trang ở các cơ quan liên bang và phương tiện giao thông liên bang, cũng như đảm bảo 100 triệu người Mỹ sẽ được hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong 100 ngày.
Về kinh tế, Tổng thống Biden đã ký 2 sắc lệnh hành pháp, gồm một lệnh mở rộng hỗ trợ thực phẩm cho những người Mỹ có thu nhập thấp và thúc đẩy tăng mức lương tối thiểu cho nhân viên liên bang.
Cũng trong tuần qua, lần lượt nhân sự cấp cao trong Nội các của Tổng thống Biden được phê chuẩn. Thượng viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát đã phê chuẩn bà Avril Haines làm Giám đốc Tình báo Quốc gia và Tướng Lyod Austin làm tân Bộ trưởng Quốc phòng của nước này. Tướng Lyod Austin đã đi vào lịch sử với tư cách là người da màu đầu tiên giữ cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc.
Trong một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ứng viên cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ nghị sĩ lưỡng đảng.
Theo ứng viên Ngoại trưởng Blinken, trong nhiệm kỳ này, chính quyền mới sẽ khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ, tập trung vào gắn kết lại các mối quan hệ với đồng minh và đối tác, xem xét lại toàn bộ cách tiếp cận với Triều Tiên, tìm kiếm thỏa thuận lâu dài và chặt chẽ hơn với Iran, gia hạn hiệp ước hạt nhân với Nga và duy trì sức ép đối với Trung Quốc về vấn đề thương mại và nhân quyền.
Mặc dù tân Tổng thống Biden bắt đầu nhiệm kỳ bằng lời kêu gọi đoàn kết đất nước và đưa Mỹ vượt qua những khó khăn trong nước, trở lại vị trí cường quốc dẫn đầu song để hiện thực hóa lời kêu gọi này xem chừng vẫn còn rất gian nan và đòi hỏi nhà lãnh đạo của nước Mỹ phải nỗ lực rất nhiều.
Nỗi lo biến thể mới virus SARS-CoV-2 lan rộng
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 15h ngày 23/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 98.750.103 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.116.4 ca tử vong.
Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 424.177 ca tử vong trong tổng số 25.390.042 ca nhiễm. Trong tuần qua, Mỹ ghi nhận một ngày có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước đến nay, với hơn 4.300 người không qua khỏi trong ngày 20/1. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Tại châu Á, Trung Quốc đang chứng kiến đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất kể từ tháng 3/2020. Hàng chục triệu người dân Trung Quốc được lệnh phải ở nhà hoặc bị cách ly tập trung ở tỉnh Hà Bắc, Cát Lâm và Hắc Long Giang. Giới chức y tế Trung Quốc đang nỗ lực để đảm bảo rằng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào giữa tháng 2 tới sẽ không trở thành mùa siêu lây nhiễm COVID-19.
Bên cạnh sự gia tăng đột biến của các ca mắc mới, sự xuất hiện của các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng là một mối lo ngại lớn cho giới chức y tế nhiều nước. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh đã lây lan ra 60 nước và vùng lãnh thổ. Biến thể tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 nước và vùng lãnh thổ. Các nước bao gồm Panama, Bồ Đào Nha, Bulgaria, Cuba trong tuần qua đã ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Châu Âu đã lên tiếng “báo động đỏ” với 3 biến thể đặc biệt nguy hiểm của SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 22/1 cảnh báo 3 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil gây nguy cơ cao ở châu Âu và có thể gây ra nhiều ca mắc, nhập viện và tử vong do COVID-19. Đặc biệt, cũng xuất hiện nhiều nghiên cứu chỉ ra các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây nguy cơ tái nhiễm cao và có tiềm năng kháng các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện hành.
Hiện nay, trên toàn thế giới có 46 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine. Tuy nhiên để tiêm được hết cho người dân và tạo ra miễn dịch cộng đồng sẽ còn là mục tiêu lâu dài.