Lãnh đạo hai miền Triều Tiên gặp mặt
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (hàng bên phải, ngồi giữa) tiếp đón phái đoàn cấp cao Triều Tiên tại Phủ Tổng thống. Ảnh: Reuters |
Ngày 10/2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc gặp mặt với phái đoàn cấp cao Triều Tiên, mang theo niềm hi vọng thông qua sự kiện Olympic lần này sẽ góp phần trong tiến trình giải quyết căng thẳng giữa hai miền liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Moon đã chủ trì buổi đối thoại trực tiếp và mời bà Kim Yo-jong cũng như các thành viên khách trong phái đoàn cấp cao Triều Tiên bữa trưa tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Seoul. Hai bên bắt tay và gửi lời chúc cho các vận động viên đến từ hai quốc gia cùng tham gia diễu hành chung dưới là cờ thống nhất sau 10 năm.
Theo lịch trình, phái đoàn cấp cao Triều Tiên gồm 22 người, do Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam dẫn đầu đã tới sân bay quốc tế Incheon trên một chiếc máy bay của Triều Tiên một ngày trước đó (9/2), bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài 3 ngày nhân dịp Olympic Mùa đông PyeongChang 2018.
Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, sau lễ khai mạc, ông Kim Yong-nam đã tham dự tiệc chiêu đãi tối do Tổng thống Moon chủ trì với sự góp mặt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng 200 quan khách khác. Phái đoàn Triều Tiên dự tính sẽ lên đường về Bình Nhưỡng vào ngày 11/2.
Tháng trước, Bình Nhưỡng đã nhất trí tham gia các cuộc đối thoại song phương trong thời gian phái đoàn Triều Tiên tới Hàn Quốc, đánh dấu cuộc đối thoại liên Triều đầu tiên giữa hai quốc gia sau hơn 2 năm.
Tại Olympic Mùa đông PyeongChang 2018, Triều Tiên cử 22 vận động viên cùng hàng trăm nữ cổ động viên và thành viên dàn nhạc tới PyeongChang. Ngày 8/2, đoàn nghệ thuật Triều Tiên gồm 140 người đã có một buổi trình diễn cảm động tại thành phố Gangneung trước những khán giả là thành viên các gia đình bị ly tán bởi Chiến tranh Triều Tiên và những người bị thiệt thòi trong xã hội.
Cả tuần “rực đỏ”, chứng khoán thế giới chao đảoMột người theo dõi chỉ số chứng khoán tại Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: WSJ |
Đóng cửa phiên ngày 9/2, thị trường chứng khoán thế giới chứng kiến một tuần giao dịch ảm đạm nhất kể từ năm 2016.
Cả hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ vào phiên đầu tuần đều giảm hơn 4%. Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), đây là mức giảm lớn nhất trong một ngày của hai chỉ số kể từ tháng 8/2011. Các chuyên gia nhận định chứng khoán Mỹ rơi vào tình trạng bất ổn là do hoạt động bán tháo tăng, lo ngại trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất tiếp tục gây sức ép lên thị trường.
Những ngày sau đó, tình trạng sụt giảm lan đến thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu.
Tính chung cả tuần, chỉ số trên thị trường chứng khoán châu Âu giảm 5,3% - con số được cho là mức giảm lớn nhất từ tháng 1/2016. Chỉ số FTSE 100 tại London ngày 6/2 đã chứng kiến ngày giảm tồi tệ nhất tính từ tháng 4/2017 khi hạ 3%.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite Index (chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc) mất tới 6% - mốc thấp nhất tính từ tháng 5/2017. Theo giới phân tích, thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng là do thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm cũng như các nhà giao dịch đóng cửa trạng thái giao dịch trước khi kỳ nghỉ Tết nguyên đán bắt đầu vào tuần tới.
Ngoài ra, trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei tụt 4,7% trong khi chỉ số chứng khoán tại Hong Kong (Trung Quốc) hạ 5%.
Thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ. Trải qua một tuần hoảng loạn, với phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index ghi nhận mức giảm tuột dốc không phanh gần 6%, tương đương 62,3 điểm xuống còn 966,41 điểm, dưới ngưỡng 1.000 điểm. Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch cuối tuần 9/2, thị trường chứng khoáng có dấu hiệu phục hồi và lấy lại hơn 20 điểm. Giới quan sát cho rằng sau 2 phiên lao dốc đầu tuần thì sự phục hồi chứng khoán được đánh giá đang ở mức "yếu ớt”.