Vụ mất tích nhiều uẩn khúc
Nhà báo Jamal Khashoggi đã tới Lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) từ ngày 2/10 để lấy giấy tờ cho thủ tục kết hôn. Tuy nhiên, từ đó đến nay ông này chưa bước chân ra khỏi Lãnh sự quán.
Tờ Washington Post (Mỹ) dẫn nguồn tin trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã nắm trong tay bản ghi âm là bằng chứng thuyết phục rằng "một nhóm 15 người Saudi Arabia được cử tới Istanbul vào ngày 2/10 đã sát hại nhà báo Khashoggi". Nhóm 15 công dân Saudi Arabia này đã đến và rời Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 2/10 – thời điểm nhà báo Khashoggi mất tích.
Theo tiết lộ từ nguồn tin giấu tên của tờ Washington Post, đoạn ghi âm thu bên trong lãnh sự quán cho thấy điều xảy ra khi nhà báo Khashoggi bước vào đây. Trong đó có giọng của ông Khashoggi và một số người nói tiếng Arập. Nguồn tin giấu tên cho biết có âm thanh ông Khashoggi bị thẩm vấn, tra tấn và sau đó sát hại.
Tờ New York Times (Mỹ) dẫn nguồn giấu tên cho biết vụ sát hại nhà báo Khashoggi diễn ra khá nhanh chóng và phức tạp, chỉ trong vòng 2 tiếng khi ông này đặt chân vào lãnh sự quán ở Istanbul.
Ngày 11/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với các phóng viên rằng Ankara sẽ “không im lặng” trước việc ông Khashoggi mất tích.
Phía Saudi Arabia phủ nhận liên quan tới vụ mất tích của nhà báo Khashoggi và nói rằng ông này đã rời lãnh sự quán trong chiều 2/10. Trong khi đó, hôn thê của nhà báo Khashoggi đợi ông ở bên ngoài tòa nhà lãnh sự và khẳng định rằng cô không thấy ông bước ra khỏi đây. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu các quan chức Saudi Arabia cung cấp bằng chứng cho thấy nhà báo Khashoggi đã rời lãnh sự quán.
Các quan chức Saudi Arabia đã đồng ý cho phép Thổ Nhĩ Kỳ điều tra lãnh sự quán để tìm manh mối về vụ nhà báo Khashoggi mất tích.
Dưới đây là video đoàn đại biểu Saudi Arabia tới lãnh sự quán ở Istanbul ngày 12/10, diễn biến thuộc khuôn khổ điều tra về vụ nhà báo Khashoggi mất tích (nguồn: RT)
Mỹ khó xử với đồng minh
Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã trao đổi với các quan chưc cấp cao Saudi Arabia và yêu cầu nhận được giải thích về việc nhà báo Jamal Khashoggi – người thường lên tiếng chỉ trích Riyadh- mất tích tại lãnh sự quán ở Istanbul. Ngày 11/10, Tổng thống Trump cho biết Mỹ đã “cử các nhà điều tra tới Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác cùng Ankara và Riyadh.
Kênh ABC News (Mỹ) dẫn lời một quan chức cấp cao ngày 12/10 cho biết Mỹ sẽ liên lạc với cả quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia về vụ việc lên quan tới ông Khashoggi. Theo nguồn tin của ABC News, Mỹ ủng hộ phương án chính phủ Saudi Arabia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ điều tra và phía Ankara sẽ công bố kết quả chính thức.
Vụ việc nhà báo Khashoggi mất tích khiến nhiều thành viên Quốc hội Mỹ yêu cầu ngừng thương vụ bán vũ khí trị giá nhiều tỷ USD cho Saudi Arabia. Bên cạnh đó, các chuyên gia dự đoán rằng từ trường hợp của nhà báo Khashoggi, sẽ có thêm nhiều chính khách muốn gây áp lực để Tổng thống Trump xem xét lại về mối quan hệ với đồng minh Saudi Arabia.
Ngày 11/10, Tổng thống Trump tuyên bố mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia là “tuyệt vời” và ông muốn đảm bảo thương vụ vũ khí với Riyadh bởi nó đồng nghĩa với hàng chục triệu USD đổ vào nền kinh tế Mỹ.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho rằng cách Mỹ phản ứng về vụ việc của nhà báo Khashoggi sẽ dựa trên việc Thổ Nhĩ Kỳ nắm trong tay bằng chứng xác thực đến đâu cho cáo buộc Saudi Arabia chịu trách nhiệm trong cái chết của ông Khashoggi.
Thượng nghĩ sĩ Mỹ Lindsey Graham từng khẳng định: “Chúng tôi muốn có mối quan hệ với Saudi Arabia. Họ là đối tác chiến lược của Mỹ. Họ cũng là đối thủ của Iran. Saudi Arabia còn trợ lực Mỹ trong chống khủng bố”.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker cho rằng nếu Saudi Arabia thực sự là “thủ phạm” gây ra cái chết của nhà báo Khashoggi thì điều này sẽ gây khó khăn cho chiến lược của Mỹ đối đầu với Iran.
Ngày 10/10, ông Bob Corker nêu rõ: “Điều này có thể ảnh hưởng tới nhiều điều chúng tôi đang phối hợp với Saudi Arabia”. Ông Corker đồng thời thừa nhận mối quan hệ giữa Thượng viện Mỹ với Saudi Arabia đang ở “mức thấp nhất”.
Gần 1/4 thành viên của Thượng viện Mỹ ngày 10/10 đã yêu cầu quốc gia này tham gia điều tra về vụ việc của nhà báo Khashoggi và kết quả kéo theo có thể là lệnh trừng phạt đối với các công dân Saudi Arabia.
Ông Ned Price, cựu quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Barack Obama, nhận định có khả năng Lầu Năm Góc sẽ cắt giảm hỗ trợ cho liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen và thúc đẩy trừng phạt.
Các nhà phân tích cho rằng dù động thái là gì thì phía Mỹ vẫn cần cân nhắc về tính cần thiết trong hợp tác với Saudi Arabia về các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ như hòa bình Trung Đông, dầu mỏ, thương vụ bán hệ thống phòng không.
Trước áp lực từ nhiều phía, ngày 13/10, Tổng thống Trump đã phải thừa nhận nếu thật sự Saudi Arabia "xuống tay" sát hại nhà báo Khashoggi tại Lãnh sự quán nước này ở Istanbul, Washington sẽ cân nhắc "có trừng phạt".
Dù quyết định này có thể là điều không mong muốn đối với Nhà Trắng, song rõ ràng vụ việc liên quan tới số phận của nhà báo Khashoggi đang bất ngờ đẩy quan hệ đồng minh quan trọng giữa Mỹ và Saudi Arabia vào sóng gió.