Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa
Sau khi liên tiếp thực hiện 3 vụ phóng tên lửa vào tuần trước, tuần này Triều Tiên tiếp tục thực hiện thêm 2 vụ phóng vào ngày 4/10 và 6/10.
Trong vụ thử ngày 4/10, Triều Tiên đã thực hiện phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung về phía vùng biển phía Đông nước này. Đáng chú ý, vụ phóng này là lần đầu tiên kể từ năm 2017, tên lửa Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Bình Nhưỡng cũng không cảnh báo trước cho Tokyo. Tên lửa trong vụ phóng này cũng bay xa hơn so với các tên lửa trước đây của Triều Tiên.
Chỉ hai ngày sau, ngày 6/10, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết tên lửa của Triều Tiên dường như đã bay theo một quỹ đạo không theo quy luật, trong đó 1 tên lửa đã bay 350km ở độ cao 100km, và tên lửa còn lại bay 800km ở độ cao 50km. Vụ phóng này được thực hiện chỉ 1 ngày sau khi Mỹ điều động một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân tới vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên.
Như vậy, từ đầu năm tới nay, Triều Tiên đã tiến hành tới 23 vụ thử tên lửa – số lượng nhiều nhất trong một năm. Và chỉ trong vòng 2 tuần qua, nước này đã phóng 6 tên lửa. Các vụ phóng tên lửa gần đây nhất của Bình Nhưỡng diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc vừa tiến hành tập trận chống tàu ngầm với lực lượng hải quân Nhật Bản hồi tuần trước.
Trong 2 tháng qua, quân đội Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự nhằm thể hiện khả năng sẵn sàng phối hợp trong trường hợp xảy ra xung đột. Dù cả 3 nước đều nói rằng các cuộc tập trận nhằm mục đích phòng vệ, nhưng Triều Tiên lâu nay vẫn coi đây là hành động thù địch và là lý do nước này điều chỉnh chương trình hạt nhân và phát triển vũ khí.
Giới chuyên gia an ninh nhận định Triều Tiên có thể đang đợi động thái đầu tiên từ Mỹ, nhằm gây sức ép về việc cắt giảm các lệnh trừng phạt trước khi tính đến một cuộc gặp thượng đỉnh với Washington.
Ông Robert Ward, nghiên cứu sinh cấp cao tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), nhận định trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, Bình Nhưỡng có thể nhận thấy cơ hội để nhắc nhở thế giới, vốn đang dồn mọi chú ý vào xung đột Ukraine, cần quay trở lại vấn đề Triều Tiên.
Theo ông Moon Hong Sik, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, việc Triều Tiên tăng cường thử nghiệm vũ khí phản ánh sự cấp bách trong việc đáp ứng các mục tiêu tăng tốc phát triển vũ khí mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề ra. Năm ngoái, ông Kim kêu gọi tập trung phát triển kho vũ khí với hệ thống vũ khí hạt nhân tiên tiến, bao gồm hệ thống ICBM mạnh hơn, tên lửa đa đầu đạn, tên lửa hạt nhân phóng dưới nước và vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Mỹ đã bày tỏ quan ngại về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, đồng thời khẳng định duy trì cách tiếp cận ngoại giao và tiếp tục kêu gọi Triều Tiên tham gia đối thoại.
EU áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ 8 đối với Nga
Ngày 6/10, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt gói trừng phạt mới nhất đối với Nga, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt đối với các vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào nước này.
Theo hãng tin Reuters, đây là gói trừng phạt thứ 8 mà EU áp đặt đối với Nga, sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 năm nay. Lệnh trừng phạt mở rộng danh sách cấm nhập đối với hàng hóa Nga, trong đó có thép, sản phẩm từ thép, gỗ, giấy, máy móc, xì gà, nhựa, chất hóa học. Gói trừng phạt cũng cấm xuất khẩu hàng hóa của EU cho Nga trong lĩnh vực hàng không như lốp, phanh, linh kiện điện tử.
Ngoài ra, lệnh trừng phạt còn nhắm vào 30 cá nhân và 7 thực thể ở Nga bao gồm cả những người làm việc tại Bộ Quốc phòng Nga được cho là có liên quan đến các cuộc trưng cầu dân ý tại 4 vùng lãnh thổ Ukraine.
EU cũng áp lệnh cấm đối với việc cung cấp dịch vụ tiền điện tử cho người Nga. Sau khi Visa và Mastercard rời thị trường Nga đầu năm nay và một số ngân hàng bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Thông cáo của EU cũng nêu rõ gói trừng phạt mới tạo cơ sở để áp giá trần đối với dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển cho nước thứ ba. Tuy nhiên, giới chức EU cho biết sẽ thảo luận nhiều chi tiết trong khuôn khổ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và EU trước khi lệnh áp giá trần có hiệu lực. Hiện nhiều chi tiết vẫn chưa được thống nhất, trong đó có cơ chế định giá thực tế. Các chuyên gia nhận định điều này có nghĩa quyết định của EU mới chỉ là bước đi đầu tiên hướng đến áp giá trần, chứ không phải đã áp đặt trên thực tế.
EU cũng quyết định rằng kể từ ngày 6/10, phạm vi địa lý của các biện pháp trừng phạt được đưa ra vào ngày 23/2, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Donetsk và Lugansk, sẽ được áp đặt đối với cả các khu vực Zaporizhzhia và Kherson.
Bình luận về các biện pháp trừng phạt mới, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục nhắm vào nền kinh tế Nga, hạn chế năng lực xuất nhập khẩu của Nga và đang nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga”.
Về phần mình, Nga cho rằng châu Âu không nên mong đợi tác động lớn nào đến nền kinh tế Nga từ gói trừng phạt thứ 8 vừa được đưa ra, khi Moskva đã chứng tỏ sự linh hoạt và khả năng thích ứng tốt với hoàn cảnh thay đổi nhanh chóng. Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hồi đầu tháng 9 cảnh báo Moskva sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu cho các nước quyết định hạn chế giá dầu của Nga. Ông Novak gọi các đề xuất áp đặt hạn chế đối với giá dầu mỏ của Nga là “hoàn toàn vô lý”.
“Nếu họ áp đặt hạn chế về giá, chúng ta sẽ không bán dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ cho các công ty hoặc các quốc gia áp đặt các hạn chế đó. Chúng ta sẽ không bán hàng mà không có cạnh tranh”, ông Novak nói.
Gói trừng phạt thứ 8 được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký kết hiệp ước thống nhất về luật pháp với Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, cũng như các vùng Kherson và Zaporizhzhia. EU trước đó đã áp 7 vòng trừng phạt với Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2.
Luật sư Jan Dunin-Wasowicz tại Công ty luật Hughes Hubbard nhận định gói trừng phạt mới nhất đã được đưa ra nhanh chóng, phù hợp với tiêu chuẩn của EU, ít lỗ hổng hơn và mức độ tác động đến bên thứ ba mạnh mẽ hơn so với các gói trừng phạt trước đây. Song ông nói: “Gói trừng phạt mới nhất chưa đạt đến bậc cao nhất của thang trừng phạt và có thể còn nhiều điều nữa sẽ xảy ra”.