Mỹ để ngỏ biện pháp ngoại giao
Mỹ đã quyết định trong thời điểm hiện tại không áp đặt trừng phạt đối với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Dẫn hai nguồn thạo tin, hãng Reuters ngày 11/7 cho biết giới chức Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Mike Pompeo, đánh giá việc áp đặt trừng phạt đối với Ngoại trưởng Iran thời điểm này không có tác dụng.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Washington muốn một giải pháp ngoại giao với Iran, đồng thời nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng ông sẵn sàng gặp lãnh đạo Iran mà không có điều kiện tiên quyết.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 24/6 tuyên bố Ngoại trưởng Iran Javad Zarif sẽ bị đưa vào danh sách đen của Mỹ ngay trong tuần. Tuy nhiên, việc đưa Ngoại trưởng Zarif - nhà đàm phán chính của Iran - vào danh sách đen sẽ là động thái ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào của Mỹ trong việc sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết những bất đồng với Tehran liên quan chương trình hạt nhân.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/7, Mỹ đã đề nghị bình thường hóa mối quan hệ với Iran, đổi lại Tehran phải có những bước đi tương xứng liên quan tới tham vọng hạt nhân.
Đài Sputnik (Nga) dẫn một thông cáo báo chí của Đại sứ Mỹ tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Jackie Wolcott cho biết: “Mỹ đã thể hiện rõ lập trường rằng chúng tôi để ngỏ khả năng đàm phán mà không áp đặt điều kiện tiên quyết nào. Chúng tôi đề nghị Iran khả năng bình thường hòa hoàn toàn quan hệ. Chúng tôi luôn sẵn sàng và chờ đợi một sự can dự về ngoại giao như thế”.
Sau đó hai ngày, với 251 phiếu thuận và 170 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát cũng đã thông qua một nội dung sửa đổi trong một dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2020 nhằm ngăn chặn Tổng thống Donald Trump triển khai biện pháp quân sự nhằm vào Iran.
Giới quan sát đánh giá loạt động thái gần đây từ Mỹ là những dấu hiệu cho thấy Washington đang xuống thang trong căng thẳng với Tehran.
Về phía mình, kênh truyền hình Press TV dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 10/7 cho hay Tehran vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao và đàm phán hạt nhân. Ông Mousavi nhấn mạnh Iran vẫn kiên định về JCPOA, song cùng với đó là bảo vệ các quyền của nước này và không tìm kiếm căng thẳng liên quan vấn đề hạt nhân.
Căng thẳng đã gia tăng trong quan hệ Mỹ-Iran sau khi Tổng thống Trump năm ngoái quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký kết năm 2015 giữa Iran và các cường quốc đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran.
Khởi đầu tốt đẹp giải quyết khủng hoảng Venezuela
Sau 3 ngày đàm phán tại Barbados dưới vai trò trung gian của Na Uy, Chính phủ Venezuela và phe đối lập nước này ngày 11/7 đã thống nhất thiết lập một cơ chế làm việc thường trực để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội trầm trọng hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Na Uy, các bên đã thỏa thuận thành lập một nhóm làm việc thường trực như một phần của tiến trình đối thoại với mục tiêu đạt được một giải pháp có sự đồng thuận và trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ Hiến pháp Venezuela.
Dự kiến các bên tiếp tục thực hiện các cuộc tham vấn lẫn nhau trong thời gian tới để có thể thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Đề cập tiến trình đối thoại giữa phái đoàn chính phủ và của phe đối lập, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro gọi đây là một khởi đầu đáng khích lệ.
Trước đó, giữa tháng Năm, Chính phủ Venezuela và phe đối lập cũng đã có những cuộc tiếp xúc sơ bộ tại Oslo dưới sự trung gian của Chính phủ Na Uy, song chưa đạt được kết quả tích cực.
Tình hình chính trị xã hội Venezuela diễn biến căng thẳng sau khi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tự phong là “tổng thống lâm thời” của nước này hôm 23/1. Tổng thống đương nhiệm Maduro cho rằng đây là một âm mưu đảo chính do Mỹ và các thế lực thù địch bên ngoài đứng sau. Mỹ cùng nhiều nước Mỹ Latinh và châu Âu đã công nhận vai trò của ông Guaido, trong khi nhiều nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ... bày tỏ ủng hộ Tổng thống Maduro.