Cụ thể, 9 người đã thiệt mạng trong chiều 4/10 ở khu Gailani, gần Quảng trường Tahrir, thuộc khu vực trung tâm của thủ đô Baghdad. Đây là nơi nhiều người biểu tình tập trung để phản đối tình trạng tham nhũng và những khó khăn kinh tế. Ngoài ra, còn có thêm một người thiệt mạng ở khu Zaafaraniya, phía Nam Baghdad.
Cùng ngày, các lực lượng an ninh Iraq cho biết "nhiều tay súng bắn tỉa chưa xác định rõ danh tính" đã sát hại 4 người ở thủ đô Baghdad. Theo thông báo của lực lượng an ninh, 4 nạn nhân trên gồm có 2 thành viên của lực lượng này và 2 dân thường. Hiện đã có 6 nhân viên an ninh thiệt mạng trong các biểu tình kể từ ngày 1/10 đến nay. Theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường, họ đã nghe thấy tiếng súng trường tự động, giống như kiểu súng bắn tỉa ở một số địa điểm thuộc khu vực trung tâm Baghdad.
Ngoài ra, các lực lượng an ninh Iraq cũng đã đập tan âm mưu ám sát Đại giáo chủ giáo phái Hồi giáo dòng Shi’ite ở Iraq, giáo sĩ Ali al-Sistani. Lực lượng an ninh Iraq đã xóa sổ một nhóm khủng bố khi chúng đang lên kế hoạch để ám sát Đại giáo chủ Ali al-Sistani.
Tỉnh trưởng Najaf, ông Luay al-Yassiry cùng ngày cho hay, các thành viên của nhóm khủng bố này đã muốn sát hại Đại giáo chủ al-Sistani ở Najaf, nằm cách thủ đô Baghdad 160 km về phía Nam. Những phần tử khủng bố đã thâm nhập khu phố cổ của thành phố cùng tên trên nhằm mục đích thực hiện vụ ám sát.
Tuy nhiên, ông Yassiry không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về đặc điểm nhận dạng hay số lượng những phần tử khủng bố dính líu đến vụ mưu sát này. Trong khi đó, một nguồn tin khác cho rằng những phần tử khủng bố bị bắt giữ đã lên kế hoạch kích động những người biểu tình xông vào văn phòng của ông Sistani.
Trước những diễn biến biểu tình phức tạp ở Iraq, Kuwait và Bahrain cùng ngày cũng đã khuyến cáo các công dân của mình nên tránh đến Iraq vào thời điểm này và những người đang ở Iraq thì cần rời khỏi nước này ngay lập tức.
Trong khi đó, cũng trong ngày 4/10, giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite Muqtada al-Sadr cùng ngày đã lên tiếng kêu gọi liên minh chính trị Sairoon do ông lãnh đạo tạm ngừng các hoạt động của nhóm này ở Quốc hội Iraq cho đến khi chính phủ nước này đáp ứng các yêu sách của người biểu tình. Liên minh Sairoon hiện chiếm đa số ghế tại Quốc hội Iraq.
Giáo sĩ Sadr cho rằng cần phải đình chỉ hoạt động ở Quốc hội một cách nhanh chóng và không thể chậm chễ. Giáo sĩ Sadr đã yêu cầu các nghị sĩ thuộc liên minh do ông đứng đầu không tham dự bất kỳ phiên họp Quốc hội nào cho đến khi chính phủ công bố chương trình cải cách mà được nhân dân chấp nhận.
Liên minh của giáo sĩ Sadr đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Iraq diễn ra hồi năm 2018 khi giành được 54 trong tổng số 329 ghế Quốc hội. Ngay sau phát biểu của giáo sĩ Sadr, liên minh Sairoon đã thông báo về việc tạm thời ngừng các hoạt động ở Quốc hội Iraq.