Thêm 48.000 người Mỹ có thể tử vong chỉ trong 3 tuần tới

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ ngày 19/11 dự báo, con số tử vong do COVID-19 tại nước này có thể lên tới 276.000-298.000 người vào ngày 12/12 tới, tức là tăng tới 48.000 ca chỉ 3 tuần sau khi Mỹ vượt qua mốc 250.000 ca tử vong hôm 18/11 vừa qua. 

Chú thích ảnh
Thi thể các bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại Mỹ. Ảnh: CNN

“Số ca tử vong mà chúng ta sẽ chứng kiến trong thời gian 3, 4 tuần tới phản ánh những hành động mà tất cả chúng ta đang làm lúc này”, Tiến sĩ Leana Wen - bác sĩ cấp cứu, cựu uỷ viên y tế thành phố Baltimore, phát biểu. Bà kêu gọi người Mỹ tổ chức một kỳ nghỉ lễ Tạ ơn an toàn: “Tôi hiểu rằng mọi người rất lo lắng, họ bị căng thẳng, họ chưa được gặp người thân, họ muốn gặp người thân của mình lúc này hơn lúc nào khác. Nhưng chúng ta thực sự không thể làm điều đó trực tiếp, trong nhà, một cách an toàn trong lễ Tạ hơn này”.

Bình luận của bà Wen được đưa ra khi CDC hôm 19/11 khuyến nghị người Mỹ không nên đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn. Tiến sĩ Henry Walke, Giám đốc phụ trách sự cố COVID-19 của CDC, đã cảnh báo về “sự gia tăng theo cấp số nhân các ca bệnh và rủi ro lây nhiễm từ vùng này ra vùng khác của đất nước”.

“Một trong những mối lo ngại của chúng tôi là trong kỳ nghỉ lễ này mọi người sẽ tụ tập với nhau và họ thực sự có thể mang mầm bệnh đến những buổi tụ họp nhỏ đó mà không hề biết”, bà Walke nói.

Theo phân tích dữ liệu từ trường Đại học Johns Hopkins của CNN, các số liệu về tình hình dịch bệnh đều đang đi theo chiều hướng tiêu cực trên khắp nước Mỹ. Chỉ có duy nhất một bang nhỏ là Hawaii có số ca mắc mới giảm hơn 10% so với tuần trước. 5 bang khác – gồm Idaho, North Dakota, Iowa, Illinois và Arkansas - đang giữ ổn định, trong khi 44 bang còn lại cho thấy số ca mắc mới tăng ít nhất 10% so với tuần trước.

Chú thích ảnh
Một nhân viên y tế mệt mỏi ngồi bên xe cứu thương. Ảnh: AP

Trên toàn quốc, số ca mắc mới trung bình trong bảy ngày qua đã lên cao nhất từ ​​trước đến nay: 161.165 ca/ngày, tăng 27% so với tuần trước. 

Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Nhà Trắng, cho biết một đợt rét sớm ở miền Trung Mỹ vào cuối tháng 9 đã làm tăng mạnh ca nhiễm khi người dân di chuyển nhiều vào các không gian kín trong nhà. Bà Birx yêu cầu người Mỹ hạn chế tụ tập, ở cách xa nhau và đeo khẩu trang, kể cả trong nhà, vì khả năng lây lan giữa những người không có triệu chứng.

“Nhiều ca nhiễm mới hơn, nhanh hơn so với những gì chúng ta từng chứng kiến trước đây”, Tiến sĩ Birx phát biểu trong cuộc họp báo nhanh tại Nhà Trắng hôm 19/11 – cuộc họp đầu tiên như vậy sau gần 4 tháng. 

Theo số liệu từ trang worldometers, đến 11h sáng 20/11 (theo giờ VN), nước Mỹ ghi nhận 258.333 ca tử vong và trên 12,07 triệu ca bệnh. 

Lễ Tạ ơn sẽ là kỳ nghỉ “nguy hiểm”

Tia hy vọng chấm dứt đại dịch đã le lói nhờ những tin tốt về các ứng cử viên vaccine COVID-18, tuy nhiên mọi việc được dự báo sẽ tồi tệ đi trước đi tốt lên, theo ông Brett Giroir, Trợ lý Bộ trưởng Y tế. 

Một phân tích cuối cùng thử nghiệm giai đoạn 3 của vaccine do Pfizer sản xuất đã cho thấy mức độ hiệu quả phòng bệnh 95%, kể cả ở người cao tuổi, và không gây ra lo ngại an toàn nghiêm trọng nào. Trong thông báo ngày 19/11, Pfizer cho biết họ đang xin giấy phép khẩn cấp “trong vài ngày” từ Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA).

Công bố nói trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một nhà sản xuất vaccine khác của Mỹ là Moderna đưa ra dữ liệu cho thấy vaccine do họ sản xuất đạt khoảng 95% hiệu quả phòng bệnh.

Giới chức y tế và lãnh đạo các bang cảnh báo, mức độ nghiêm trọng của dịch sẽ được xác định trong dịp lễ Tạ ơn vào tuần tới. Họ lo ngại các cuộc tụ họp trong ngày lễ truyền thống này sẽ khiến làn sóng lây lan mới còn bùng lên ghê gớm hơn. 

Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Mỹ đưa ra lời khuyến cáo người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa bệnh. “Tụ họp ảo vẫn là cách an toàn nhất để mang bạn bè và gia đình đến gần nhau từ những địa điểm cách xa. Bên cạnh đó, không gian ngoài trời có thể giảm rủi ro khi tụ tập với những người ngoài gia đình".

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế vận chuyển một thi thể nạn nhân COVID-19. Ảnh: CNN

Trong khi đó, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, kêu gọi người dân "nhân đôi" các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang và tránh tụ tập cho đến khi có vaccine.

"Nếu bạn đang chiến đấu một trận chiến và kỵ binh đang trên đường tới, bạn không được ngừng bắn cho đến khi kỵ binh đến tận đây”, ông Fauci nhắc nhở.

Theo Dự án Theo dõi COVID, hôm 18/11, có tới 79.410 ca nhập viện do COVID tại Mỹ. Cả nước hiện ghi nhận trung bình 72.120 ca nhập viện/ngày trong 7 ngày qua, tăng gần 20% so với tuần trước. 

Một số tiểu bang đã báo cáo số ca nhập viện kỷ lục trong ngày 19/11. Khi số người nhập viện tăng cao, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ càng bị kéo căng, khiến nhiều nhân viên y tế đã phải cầu xin người Mỹ làm gì có thể để giảm tình trạng lây lan virus.

Các bang khắp nước Mỹ áp dụng các hạn chế mới

Học sinh tại học khu lớn nhất nước Mỹ - thành phố New York - đã chuyển sang học từ xa kể từ ngày 19/11. Quyết định của thành phố được đưa ra sau khi tỉ lệ xét nghiệm dương tính tại đây đã đạt 3%, một ngưỡng mà trước đó Thị trưởng Bill de Blasio tuyên bố sẽ kích hoạt lệnh đóng cửa các trường học. Cùng ngày, ông de Blasio cho biết ông hy vọng bang New York sẽ đóng cửa các phòng tập thể dục và ăn uống trong nhà tại các nhà hàng trong vòng một hoặc hai tuần tới.

Chú thích ảnh
Dòng xe đưa người dân làm xét nghiệm COVID-19 tại Mỹ. Ảnh: AP

Thống đốc California, Newsom cũng đã công bố lệnh giới nghiêm bắt buộc qua đêm, cấm tất cả các hoạt động và tụ tập không cần thiết kể từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau khi bang này chứng kiến ​​sự gia tăng kỷ lục các trường hợp nhiễm COVID mới. 

Trong khi đó, bang New Hampshire đã ban hành lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn tiểu bang kể từ ngày 20/11, theo lệnh Thống đốc Chris Sununu. Cư dân sẽ phải đeo khẩu trang khi không thể giữ khoảng cách ít nhất 2 mét ở cả không gian công cộng trong nhà và ngoài trời.

Tại Florida, Thống đốc Key West yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, bất kể có duy trì giãn cách xã hội hay không. Người vi phạm quy định này có thể bị phạt tới 500 USD.

Bang Wisconsin là một trong những bang đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề trong làn sóng dịch lần này. Hôm 19/11, Thống đốc Tony Evers đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp bang và gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng tới tháng 1/2021. 

Tại Minnesota, Thống đốc Tim Walz cho biết tiểu bang này đang đứng trước “thời điểm quyết định”. Kể từ ngày 20/11, các cuộc tụ tập từ trên một gia đình sẽ bị cấm, các quán bar, nhà hàng chỉ được phép vận hành dịch vụ mang đi; phòng tập, địa điểm giải trí và tổ chức sự kiện phải đóng cửa.

“Các bệnh viện đang gần đến mức khủng hoảng phải từ chối bệnh nhân mới, việc tiếp tục tình trạng này sẽ là không thể chịu đựng nổi”, ông Walz cảnh báo. 

Thu Hằng/Báo Tin tức (CNN)
Chuyên gia Mỹ đánh giá tích cực về 2 loại vaccine triển vọng nhất hiện nay 
Chuyên gia Mỹ đánh giá tích cực về 2 loại vaccine triển vọng nhất hiện nay 

Chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, ông Anthony Fauci đã đánh giá tích cực về 2 loại vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 triển vọng nhất đang trong giai đoạn thử nghiệm sau cùng gồm vaccine của Pfizer/BioNTech và vaccine của Moderna. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN