Thêm những nước nào sẽ trở thành đối tác chính thức của BRICS trong năm tới?

Ngày 13/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết từ ngày 1/1/2025 sẽ có thêm 2 quốc gia trở thành đối tác chính thức mới của BRICS.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao Nhóm BRICS ở Kazan, Nga, ngày 23/10/2024. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo đó, trả lời trong cuộc phỏng vấn với tờ Izvestia, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga xác nhận Cuba và Bolivia dự kiến ​​sẽ chính thức gia nhập BRICS với tư cách là các quốc gia đối tác. Ông Ryabkov nói rằng: “Chúng tôi tin tưởng rằng mọi việc sẽ ổn khi họ tham gia nhóm với tư cách là đối tác”.

Quy chế 'quốc gia đối tác' mới đã được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 10, do Nga đăng cai tổ chức tại Kazan, và được coi là giải pháp thay thế cho tư cách thành viên sau khi hơn 30 quốc gia nộp đơn xin gia nhập tổ chức này.

Sau cuộc họp trên, Nga, quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm, đã tuyên bố rằng 13 quốc gia mới có thể trở thành quốc gia đối tác của BRICS sau khi quy chế mới được đưa ra.

BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, và đã tiếp tục được mở rộng vào đầu năm 2024 để kết nạp thêm Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Ông Ryabkov cho biết nhóm này hiện đang tổ chức các cuộc tham vấn với các quốc gia được mời để chính thức hóa tư cách thành viên của họ. Trước đó, theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Pankin, Belarus tuyên bố đã chính thức chấp nhận lời mời trở thành đối tác của BRICS và Indonesia cũng đã được nhóm kinh tế này trao tư cách đối tác.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga xác nhận mặc dù các cuộc thảo luận về tư cách đối tác của các quốc gia này vẫn đang diễn ra nhưng sẽ không có quốc gia nào từ chối khi nhận được mời. Ông nói thêm: “Đây là một triển vọng lớn và nghiêm túc đối với tất cả các quốc gia được mời, vì vậy chỉ còn vài ngày nữa là danh sách sẽ được công bố”.

Quy chế quốc gia đối tác cho phép các nước được thường xuyên tham gia vào các phiên họp đặc biệt của hội nghị thượng đỉnh BRICS và các cuộc họp của bộ trưởng ngoại giao, cũng như các sự kiện cấp cao khác.

Khối BRICS từ lâu đã tự định vị là đối trọng với trật tự kinh tế toàn cầu do Mỹ thống trị, nhất là việc mở rộng thêm bốn thành viên mới và nỗ lực thúc đẩy ý tưởng về một đồng tiền chung. Đồng tiền chung của BRICS, nếu thành hiện thực, có thể trở thành công cụ thay thế đồng USD trong giao dịch thương mại quốc tế, đặc biệt khi được hỗ trợ bởi vàng hoặc các hàng hóa giá trị khác.

Ngày 1/12, trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump đã cảnh báo rằng các quốc gia ủng hộ đồng tiền BRICS hoặc tìm cách thay thế đồng USD sẽ phải đối mặt với thuế quan "lên tới 100%". Ông khẳng định: "Không có cơ hội nào BRICS có thể thay thế đồng USD trong thương mại quốc tế. Bất kỳ quốc gia nào cố gắng đều nên tạm biệt nước Mỹ".

Những tuyên bố này không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ mà còn phản ánh quan điểm cứng rắn của chính quyền ông Trump đối với BRICS, coi đây là mối đe dọa trực tiếp đến sự thống trị toàn cầu của Mỹ.

An Minh/Báo Tin tức (Theo RT, Eurasia)
Thành viên mới của BRICS: Ai Cập và sứ mệnh định hình lại thế giới?
Thành viên mới của BRICS: Ai Cập và sứ mệnh định hình lại thế giới?

Ai Cập, một quốc gia có hơn 100 triệu dân và nền kinh tế đang trong quá trình đa dạng hóa, đã gia nhập BRICS với mục tiêu tăng cường ảnh hưởng quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN