Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell ngày 2/10 tuyên bố tại Kiev rằng khối này sẽ xem xét gói viện trợ quân sự trị giá 5 tỷ euro cho Ukraine vào năm 2024. Tuy nhiên, quốc gia thành viên Hungary vẫn chưa rút lại lá phiếu phủ quyết đối với khoản quỹ mang tên “Cơ sở Hòa bình châu Âu” (EPF) trị giá 500 triệu euro hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba, ông Borrell cho biết đã đề xuất một khoản phân bổ nhiều năm mới cho “Quỹ Hòa bình châu Âu” lên tới 5 tỷ euro trong năm tới”. Ông hy vọng EU có thể đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay.
Tuy nhiên, ông Josep Borrell đã không đề cập đến số phận của quỹ EPF hiện nay khi vẫn bị Hungary phản đối từ tháng 5. Theo trang EuroNews, quan chức ngoại giao của EU trên đã không bàn đến lập trường của Hungary, mà chỉ nói rằng sự hỗ trợ của EU dành cho Kiev sẽ tiếp tục “về mọi mặt”.
Ngoại trưởng Peter Szijjarto của Hungary đã vắng mặt khi 26 ngoại trưởng khác của khối EU tới dự một cuộc họp bất ngờ ở Kiev, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. EuroNews cho biết một thứ trưởng đã thay thế ông Peter Szijjarto dự họp.
Ông Borrell nhấn mạnh: “EU vẫn thống nhất ủng hộ Ukraine. Chúng tôi vẫn đoàn kết. Tôi không thấy bất kỳ quốc gia thành viên nào từ bỏ cam kết hỗ trợ Ukraine bằng những công cụ mà chúng tôi có”. Khi được hỏi về chi tiết của cam kết hỗ trợ đó, ông Borrell cho biết EU sẽ “làm nhiều hơn nữa”.
Ông đồng thời tiết lộ rằng EU đã gửi cho Ukraine hơn 25 tỷ euro viện trợ quân sự kể từ tháng 2/2022, trong khi tổng số tiền hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo đã lên tới 85 tỷ euro. Ông cũng cam kết rằng khối sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev bất kể chuyện gì xảy ra ở Mỹ. Quốc hội Mỹ ngày 30/9 đã thông qua nghị quyết tránh đóng cửa chính phủ, song loại bỏ dự luật nguồn tài trợ mới cho Ukraine.
“Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi không thể cho phép sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn”, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố một ngày sau đó, đồng thời kêu gọi cả dảng Dân chủ và đảng Cộng hòa “hoàn thành việc này”.
Hai quan chức Mỹ nói với tờ Politico hôm 2/10 rằng Lầu Năm Góc vẫn còn khoảng 1,6 tỷ USD trong số 25,9 tỷ USD mà Quốc hội đã phân bổ để hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, họ đang sử dụng số tiền này để bổ sung vào kho dự trữ quân sự của Mỹ.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết quốc gia này đã đình chỉ các chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) và Tài trợ Quân sự Nước ngoài (FMF) dành cho Ukraine.
Ông Miller giải thích với các phóng viên rằng: “Mặc dù chúng tôi vẫn còn một số thẩm quyền để tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong thời gian ngắn, nhưng nguồn tài trợ của USAI và FMF đã bị đình chỉ”. Người phát ngôn trên nói thêm rằng đó là những chương trình cho phép Mỹ ký hợp đồng lâu dài với Ukraine.
Ông Matthew Miller khẳng định Bộ Ngoại giao đã kêu gọi Quốc hội bổ sung nguồn tài trợ hỗ trợ an ninh ngắn hạn và dài hạn cho Ukraine.
Cùng ngày, một quan chức Mỹ xác nhận với đài Sputnik rằng Washington vẫn còn khoản tiền 5,4 tỷ USD để cung cấp cho Ukraine nhằm chống lại chiến dịch đặc biệt của Nga.
Số tiền hiện có cho phép Washington gửi vũ khí và thiết bị từ kho dự trữ tới Ukraine dưới thẩm quyền của tổng thống.
Dù vậy, quan chức Mỹ trên đánh giá rằng có quá nhiều biến số để suy đoán số tiền còn lại dành cho Ukraine sẽ tồn tại được bao lâu.
Các hãng truyền thông trước đó dẫn lời một số quan chức Lầu Năm Góc cho biết khoản tài trợ còn lại dành cho Ukraine sẽ kéo dài khoảng sáu tháng.
Dự luật chi tiêu ngắn hạn mới đây cho phép các nhà lập pháp Mỹ có thêm thời gian đến ngày 17/11 để xem xét luật chi tiêu đầy đủ cho năm tới, trong đó có cả việc tài trợ nhiều hơn cho Ukraine. Tổng thống Joe Biden gần đây đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt khoản viện trợ bổ sung trị giá 24 tỷ USD.