Thích ứng an toàn với COVID-19 - Bài 1: Hành trình bao phủ vaccine toàn cầu

Sau gần 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành với sự xuất hiện ngày càng nhiều các biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao, cộng đồng quốc tế đã thừa nhận không thể khống chế tuyệt đối COVID-19 mà phải tìm cách ứng phó phù hợp.

Các nước đang trong giai đoạn điều chỉnh các biện pháp chống dịch để có thể thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19.
  
Bài 1: Hành trình bao phủ vaccine toàn cầu 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thế giới đang nỗ lực bao phủ vaccine ngừa COVID-19 trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay nhằm nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng, từ đó thích ứng an toàn để sớm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái "bình thường mới", với những kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tiêm chủng vaccine trên thế giới đã ổn định hơn so với thời gian đầu, tới nay hơn 6 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu. Tính từ mốc 4 triệu liều vaccine, hiện thế giới cần chưa tới 30 ngày để tăng thêm 1 triệu liều (tăng từ 5 triệu lên 6 triệu liều trong 29 ngày, trong khi trước đó, để đạt được mốc 1 tỷ liều vaccine đầu tiên, thế giới cần đến 140 ngày.

Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ ở các cấp quốc tế lẫn từng quốc gia. Trên phạm vi quốc tế, hoạt động hợp tác, chia sẻ vaccine, đặc biệt thông qua cơ chế toàn cầu COVAX, đang được thúc đẩy mạnh. Tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19, diễn ra ngày 22/9 tại New York (Mỹ) nhân tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ, Mỹ thông báo sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vaccine nước này viện trợ lên 1,1 tỷ liều. Nhật Bản cũng cam kết sẽ cung cấp bổ sung 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19, qua đó nâng tổng số vaccine mà Nhật Bản viện trợ cho các nước lên 60 triệu liều. Italy tuyên bố cung cấp 45 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trước cuối năm nay, gấp ba lần cam kết ban đầu. 

Ở cấp độ quốc gia, trong khi các nước giàu có tiềm lực kinh tế dồi dào sớm đặt mua vaccine để bao phủ tiêm chủng cho người dân, thì các quốc gia đang phát triển cũng nỗ lực tạo nguồn vaccine thông qua nhiều giải pháp đồng bộ. Cuba là ví dụ điển hình vượt khó khăn để bảo đảm nguồn cung vaccine khi là nước đầu tiên và duy nhất ở khu vực Mỹ Latinh-Caribe tự nghiên cứu thành công vaccine ngừa COVID-19 nội địa và đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp 3 loại vaccine đạt hiệu quả và độ an toàn cao gồm: Abdala, Soberana 2 và Soberana Plus. Cuba cũng được ghi nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em trong nhóm từ 2-18 tuổi với loại vaccine tự sản xuất Soberana 02 và Abdala. 

Tại Việt Nam, chiến lược vaccine với 3 nội dung: tiếp cận và mua vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước; thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho người dân trên diện rộng, đang được triển khai quyết liệt, thu được nhiều kết quả khả quan. 

Tuy nhiên, hành trình bao phủ vaccine toàn cầu, đạt tới tỷ lệ 70-85% dân số được tiêm chủng để trở lại cuộc sống bình thường vẫn còn gập ghềnh, khi tốc độ tiêm chủng trên thế giới vẫn còn những chênh lệch lớn do bất bình đẳng trong phân phối vaccine. Ở các quốc gia có thu nhập cao, tỷ lệ tiêm chủng trung bình ở mức 124 liều/100 người, trong khi tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 4 liều/100 người, tức là chênh lệch gấp 30 lần.

Những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng hầu hết đều là những quốc gia tự chủ được nguồn cung hoặc có thu nhập cao. Liên minh châu Âu (EU) hiện có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ bình quân là 63,7%, tiếp đó là Mỹ (54,7%), Nhật Bản (53,3%), Anh (66,6%), Chile (73,3%), UAE (74,6%), Israel (61,8%), Singapore (79,8%)… Trong khi đó, với nguồn lực eo hẹp, các quốc gia thu nhập thấp hiện chủ yếu tiếp cận vaccine thông qua cơ chế COVAX, vốn đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều đến cuối năm nay cho người dân ở 190 quốc gia, trong đó gần 100 quốc gia thu nhập thấp, nhằm đảm bảo ít nhất 20% dân số được tiêu chủng.  

Tuy nhiên, bản thân COVAX đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine liên quan đến hợp đồng đặt trước giữa các nước giàu với các nhà sản xuất, những hạn chế trong xuất khẩu vaccine, như Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu vaccine của hãng AstraZeneca khi nước này đương đầu với làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng, và cả những cam kết "suông".

Hồi tháng 6 vừa qua, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã cam kết viện trợ hàng trăm triệu liều vaccine cho các nước nghèo, song phần lớn số vaccine theo cam kết vẫn chưa được phân phối đến nơi. Theo thống kê của Reuters, tới nay, COVAX mới phân phối được hơn 286 triệu liều vaccine cho 141 nước, và đã phải giảm 25% số liều vaccine dự kiến cung cấp trong năm nay, xuống khoảng 1,4 tỷ liều. 

Bên cạnh đó, sự nguy hiểm của các biến chủng thể khiến tình trạng khan hiếm vaccine toàn cầu ngày càng gay gắt trong bối cảnh nhiều nước đã tính tới việc tiêm liều tăng cường cho những người dễ bị tổn thương. Ngoài những đơn đặt hàng ban đầu, EU mới đây đã ký hợp đồng đảm bảo nhận 1,8 tỷ liều vaccine của BioNTech/Pfizer đến năm 2023. Anh cũng đặt mua thêm 35 triệu liều vaccine tương tự. Mỹ ước tính sẽ dôi dư 1 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay, thậm chí ngay cả khi nước này quyết định tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên.

Việc phân phối vaccine không công bằng, theo nhiều chuyên gia, sẽ khiến cuộc khủng hoảng y tế hiện nay càng kéo dài, gây ra tổn thất về mạng sống con người vốn có thể tránh được. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chỉ trích tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vaccine hiện nay là “không thể chấp nhận được” khi mà gần 75% liều vaccine được tiêm tập trung ở 10 quốc gia, trong khi 90% người dân châu Phi vẫn đang đợi mũi tiêm đầu tiên. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres gắn tình trạng bất bình đẳng về vaccine với khía cạnh đạo đức khi nhấn mạnh chỉ có 3,6 % người dân châu Phi được tiêm chủng trong khi tỷ lệ này ở các nước Tây Âu là hơn 60%.    

Trong nỗ lực giải quyết vấn đề bất bình đẳng nguồn cung vaccine, ngoài việc kêu gọi các nước giàu hợp tác và thực hiện cam kết chia sẻ vaccine, COVAX cũng đi đầu tìm kiếm những lựa chọn khác nhau, đàm phán tích cực với các nhà sản xuất  nhằm đa dạng hóa danh mục vaccine, trong khi hỗ trợ việc tăng cường năng lực sản xuất ở trung và dài hạn.

Nhiều chuyên gia nhận định mở rộng năng lực sản xuất và đa dạng hóa nguồn sản xuất vaccine có ý nghĩa quan trọng, như Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala khẳng định là “mang tính sống còn” trong cuộc chiến chống COVID-19 và ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện, khi mà hiện 80% nguồn cung vaccine trên thế giới là từ các cơ sở sản xuất ở 10 quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Á. Từ bỏ bản quyền đối với vaccine và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển cũng đang là vấn đề được nhiều quốc gia và hãng dược phẩm thảo luận, song tới nay chưa đạt kết quả.

Ước tính hiện mỗi tháng toàn thế giới có thể sản xuất 1 tỷ liều vaccine và dự kiến đến tháng 11/2021 con số này sẽ là 1,5 tỷ, nhiều hơn toàn bộ số vaccine có được trong 4 tháng đầu năm nay. Theo giới chuyên gia, thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 để đạt độ bao phủ vaccine.

Tình hình nay đang khiến các quốc gia đang phát triển phải nỗ lực nhiều hơn để đa dạng hóa nguồn cung vaccine. Tại Indonesia, một trong những tâm dịch của Đông Nam Á và thế giới, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này tới nay đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 9 loại vaccine ngừa COVID-19, trong đó có vaccine của các hãng Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Novavax, Johnson & Johnson và CanSino sản xuất.

Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng phê duyệt 4 loại vaccine cho chương trình tiêm chủng Gotong Royong do tư nhân tài trợ, gồm vaccine của Sinopharm, CanSino, Anhui Zhifei Longcom và vaccine Sputnik-V. Tới nay nước này đã tiêm được gần 125 triệu liều vaccine, trong đó hơn 45 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai liều. Không chỉ miễn phí cho người dân, chương trình tiêm chủng của Indonesia hiện đã mở rộng đến nhóm tuổi từ 12-17, với hơn 1,2 triệu mũi tiêm mỗi ngày, gấp gần 10 lần so với hồi giữa tháng 5. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nỗ lực của Chính phủ Indonesia đảm bảo nguồn cung ổn định và tăng tốc đáng kể chương trình tiêm chủng thực sự đáng được ghi nhận,. 

Chú thích ảnh
Ngày 15/9/2021, 852.480 liều vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 đã về đến Hà Nội. Đây là vaccine hỗ trợ của Chính phủ Đức cho chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam qua cơ chế phân bổ vaccine quốc tế COVAX với sự phối hợp của UNICEF và WHO. Ảnh: TTXVN phát

Tại Việt Nam, “ngoại giao vaccine” đã được triển khai bài bản và quyết liệt với phương châm chủ động, phối hợp, sáng tạo, hiệu quả để vận động các đối tác, các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ và tạo điều kiện cho Việt Nam mua vaccine phòng COVID-19. Để có nguồn tài chính cho việc mua vaccine, bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách, Chính phủ đã thành lập Quỹ vaccine phòng  COVID-19, huy động sự đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân. Kết quả, cho đến nay, các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác đã cam kết cung ứng cho Việt Nam hơn 150 triệu liều vaccine thông qua đàm phán mua và viện trợ, trong đó Việt Nam đã nhận được hơn 50,2 triệu liều. Nhờ đó, chiến dịch tiêm vaccine ở Việt Nam đã được tăng tốc, tới hết ngày 22/9 đã tiêm hơn 35,6 triệu liều, trong đó khoảng 21,8 triệu người đã tiêm 1 liều vaccine và 6,9 triệu người đã tiêm đủ 2 liều.

Bên cạnh việc đẩy mạnh vận động viện trợ, đàm phán mua vaccine từ bên ngoài, Việt Nam cũng tập trung tìm kiếm các cơ hội hợp tác, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm đảm bảo nguồn cung lâu dài trong nước, tiến tới khả năng có thể tự chủ vaccine phòng COVID-19. Hiện Việt Nam có 3 đơn vị, doanh nghiệp trong nước đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vaccine phòng COVID-19 với các đối tác của Nga, Mỹ, Nhật Bản. Đối với vaccine nội địa, hiện có hai ứng viên là vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen và vaccine Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang đang từng bước vượt qua các giai đoạn thử nghiệm.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã thành lập Quỹ ứng phó COVID-19 vào năm 2020 và mới đây đã quyết định sử dụng 10,5 triệu USD từ quỹ này để mua vaccine cho các nước thành viên.

Tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19, diễn ra ngày 22/9, Tổng Thư ký LHQ và lãnh đạo các nước một lần nữa khẳng định vaccine là "chìa khóa" để đưa thế giới dần trở lại cuộc sống bình thường, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiêm chủng ở các nước đang phát triển. 
Trong bài phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, diễn rạng sáng 23/9 giờ Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc  cũng khẳng định mở rộng tiêm vaccine song song với sử dụng thuốc điều trị hiệu quả có ý nghĩa then chốt để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng người dân và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.

Chủ tịch nước nhấn mạnh vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cần kiểm soát đại dịch COVID-19 thông qua hợp tác quốc tế, nhất là ưu tiên cung cấp vaccine cho những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, đồng thời tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vaccine, xoá bỏ rào cản liên quan đến cung ứng vaccine.

Tại khóa họp Đại hội đồng LHQ khóa 76, các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu tham vọng, theo đó đến thời điểm tổ chức khóa họp ĐHĐ LHQ năm 2022 sẽ có 70% dân số thế giới được tiêm vaccine. Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, thế giới chỉ có thể đạt được mục tiêu này nếu có ý chí chính trị và tinh thần hợp tác để có thể cùng nhau thích ứng an toàn với COVID-19.

Bài 2: Phòng tuyến bảo vệ học sinh

Lan Phương (TTXVN)
Thích ứng an toàn với COVID-19 - Bài 6: Công nghệ đồng hành trong cuộc sống bình thường mới
Thích ứng an toàn với COVID-19 - Bài 6: Công nghệ đồng hành trong cuộc sống bình thường mới

Khi thế giới đang tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt  với COVID-19, bên cạnh nguyên tắc 5K và vaccine, công nghệ là một yếu tố đặc biệt quan trọng giúp con người dần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới một cách bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN