Trên thực tế, nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 được triển khai từ cuối năm 2020, các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu dần mở cửa trở lại, kinh tế toàn cầu đã khởi sắc từ quý II/2021 sau hơn một năm ảm đạm do tác động của các lệnh hạn chế. Trong khi đó, thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhờ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng. Với việc các hạn chế đi lại dần được nới lỏng, sự phục hồi của ngành du lịch sau thời gian dài “đóng băng” là tín hiệu hứa hẹn kéo theo sự khởi sắc của nền kinh tế và sự trở lại của dòng vốn đầu tư.
Mặc dù vẫn còn gián đoạn chuỗi cung ứng và chậm trễ trong khâu vận chuyển, đồng thời dòng Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu phục hồi chậm hơn mong đợi, nền kinh tế thế giới được đánh giá đã bước qua giai đoạn suy thoái. Theo dự báo của hãng tư vấn IHS Markit, GDP thực tế của thế giới sẽ tăng trưởng 5,7% trong năm nay và 4,5% trong năm 2022.
Đà phục hồi của kinh tế thế giới là điều kiện thuận lợi để các nước mở cửa trở lại. Một trong những yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh an toàn, với vaccine là “vũ khí” hữu hiệu nhất. Việc bao phủ vaccine nơi làm việc giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, giúp hoạt động của doanh nghiệp được liên tục, không gián đoạn. Ngay sau đợt tiêm chủng dành cho các đối tượng nguy cơ cao, từ tháng 6/2021, Nhật Bản đã tiến hành tiêm chủng đại trà tại nơi làm việc và nhận được sự hưởng ứng của hơn 2.300 doanh nghiệp. Nhiều nước đã áp dụng các mô hình “giấy chứng nhận vaccine” (Italy, Pháp), “bong bóng vaccine” (các nước Đông Nam Á), cho phép những người đã tiêm vaccine được đến một số địa điểm cụ thể như nơi công cộng hay nơi làm việc, qua đó từng bước nối lại sản xuất kinh doanh và hoạt động của các ngành dịch vụ.
Tuy nhiên, tiêm vaccine là điều kiện cần, song chưa đủ để an toàn mở cửa khi biến thể Delta vẫn hoành hành. Quốc gia từng đi đầu thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine là Israel hiện chứng kiến số ca mắc hằng ngày lên tới 10.000 ca, ảnh hưởng tới kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế vốn đã được chuẩn bị từ tháng 4/2021. Với gần 80% dân số đã được tiêm vaccine, Singapore mới đây cũng phải trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế khi số ca nhiễm liên tục tăng cao. Điều đó cho thấy kết quả phòng chống dịch vẫn là yếu tố quyết định để thực hiện kế hoạch mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, linh hoạt theo lộ trình từng bước.
Theo các chuyên gia, song song với đẩy mạnh tiêm vaccine, các nước vẫn cần chú trọng các yêu cầu phòng dịch như đảm bảo giãn cách và bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện mô hình làm việc xen kẽ trực tiếp và từ xa với sự hỗ trợ của công nghệ, bởi công nghệ được coi là một trong những là giải pháp chủ chốt giúp hoạt động sản xuất kinh doanh không gián đoạn trong đại dịch. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp và nhà sản xuất tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, coi đây là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức của đại dịch, có khả năng trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của COVID-19.
Tại Singapore, các xét nghiệm COVID-19 được sử dụng làm công cụ để sàng lọc những người muốn vào các tòa nhà văn phòng, các trung tâm thương mại… Singapore cũng thay đổi tiêu chí đánh giá tình hình dịch bệnh, thay vì cập nhật số ca nhiễm, giới chức y tế quan tâm nhiều đến số ca có triệu chứng nặng và cần chăm sóc đặc biệt, giống như cách theo dõi bệnh cúm thông thường. Với cách làm này, các doanh nghiệp không cần phải lo lắng về việc bị phong tỏa, dẫn đến gián đoạn hoạt động, ngay cả khi có trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.
Để đảm bảo an toàn khi mở cửa, không phải tất cả các ngành đều được phép hoạt động trở lại. Chính phủ Campuchia mới đây tiếp tục ban hành quyết định ngừng hoạt động đối với một số ngành nghề kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm cao như các câu lạc bộ, quán karaoke, quán bar, quán rượu… Nhật Bản, một trong số ít các nước không áp dụng “phong tỏa cứng” cũng yêu cầu các ngành kinh doanh có nhiều tiếp xúc gần này giới hạn thời gian hoạt động.
Cải thiện điều kiện sống tại các khu công nghiệp, những nơi tập trung đông lao động nhằm ngăn ngừa hình thành các ổ dịch cũng được các nước chú trọng trong quá trình mở cửa. Singapore có thời gian dài phải phong tỏa các khu ký túc xá của lao động nhập cư, vốn chiếm đa số trong lực lượng lao động.
Tháng 9/2021, Singapore đã công bố tiêu chuẩn mới cho các khu nhà này, trong đó quy định rõ giới hạn mật độ, có nhà vệ sinh riêng, đảm bảo yêu cầu về thông gió và phân chia các khu vực. Chính phủ Singapore cũng dự kiến xây dựng 2 khu nhà mới cho lao động nước ngoài với ít nhất 12.500 giường sẽ sẵn sàng đưa vào sử dụng sau khoảng 3 năm. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI), bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh an toàn và bảo vệ người lao động trong đại dịch chính là yếu tố tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư. Điều này đặc biệt quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á, nơi trước đại dịch được Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đánh giá là “cỗ máy tăng trưởng FDI của toàn cầu”.
Ngay trong giai đoạn dịch COVID-19 mới bùng phát, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, các nước Đông Nam Á trở thành lựa chọn an toàn của các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta đã đảo ngược các thành quả chống dịch ở Đông Nam Á, nhất là khi tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực chưa cao. Các biện pháp phong toả và hạn chế chặt chẽ hơn để kiểm soát sự lây lan của virus cũng làm tăng chi phí của các nhà sản xuất và xuất khẩu, khiến nhiều nhà máy ở nhiều quốc gia phải đóng cửa.
Theo Bloomberg, việc các nhà máy sản xuất ở Đông Nam Á đóng cửa đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của từ hãng sản xuất ô tô Toyota đến nhà bán lẻ sản phẩm dệt may Abercrombie & Fitch.
Thực tế đó khiến nhiều nước Đông Nam Á phải nhanh chóng điều chỉnh mô hình phòng dịch linh hoạt hơn, chuyển hướng sang “sống chung an toàn” với COVID-19 để hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm phòng chống dịch trong khi vẫn duy trì khôi phục kinh tế. Thay vì áp đặt phong tỏa toàn quốc hay địa phương, Philippines hiện áp dụng biện pháp khoanh vùng có mục tiêu hẹp, theo đó cách ly các khu phố, gia đình có người nhiễm. Đây cũng là cách tiếp cận mới ở Việt Nam. Indonesia tập trung củng cố các quy định như đeo khẩu trang thay vì áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển, đồng thời ban hành lộ trình cho các khu vực như văn phòng mở cửa trở lại. Tất cả các nước đều nỗ lực tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine, trong đó lực lượng lao động, sản xuất là nhóm ưu tiên.
Không để đứt gãy các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng là bài toán với Việt Nam trong bối cảnh đợt bùng phát dịch thứ tư do biến thể Delta ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tại Việt Nam, đợt dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 4/2021 kéo dài cùng việc phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan đã khiến hoạt động sản xuất công nghiệp bị gián đoạn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bị tác động tiêu cực, giảm trên 30% so cùng kỳ năm 2020. Cán cân thương mại hàng hóa cũng bị ảnh hưởng do xuất khẩu giảm.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, tháo khó khăn để có thể phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Ngoài việc điều chỉnh chiến lược chống dịch theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch” để có thể thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trong đại dịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Bên cạnh đó, chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được thực hiện quyết liệt đang tạo cơ hội để Việt Nam dần khôi phục nền kinh tế.
Nhận định về khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nhận định lịch sử đã kiểm chứng rằng Việt Nam luôn có cách vượt qua mọi khó khăn và trở ngại. Bởi vậy, mặc dù Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn đầy thử thách, song ông Tim Evans vẫn nhìn thấy viễn cảnh tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Trong khi đó, Chủ tịch quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Ltd (VEIL), Stanley Chou nhận định dịch COVID-19 không thể ngăn được sức bật của nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Chou, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm tăng trưởng 5,6% bất chấp các đợt lây nhiễm COVID-19 mới, cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam và tạo nền tảng cho việc mở rộng tăng trưởng trong tương lai.
WB cho rằng việc FDI đăng ký lại tăng lên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng vào viễn cảnh kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn. Việt Nam đã thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 8/2021, tăng 65% so với tháng 7.
Những bài học của thế giới trong việc duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới cho thấy việc chủ động, linh hoạt phục hồi kinh tế theo lộ trình, có kiểm soát tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh là yếu tố mang tính quyết định. Quan trọng hơn là tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế trước những biến động và cú sốc như đại dịch COVID-19, cũng như nâng cao sự tự chủ về kinh tế, trong đó phát triển kinh tế số đã trở thành xu thế tất yếu và là sự chuyển đổi mang tính chiến lược. Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 (AEM 53) trung tuần tháng 9 vừa qua, các nước ASEAN đã nhất trí phát triển nền kinh tế số của khu vực để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, với quyết tâm thúc đẩy áp dụng mô hình kinh tế số bền vững có thể giúp khu vực vượt qua đại dịch nhanh hơn và mạnh mẽ hơn.
Bài 6: Công nghệ đồng hành trong cuộc sống bình thường mới