Thiên tai tại Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 14/2, khu vực Kanto Koshin và miền Trung, Tây Nhật Bản tiếp tục hứng chịu trận mưa tuyết lớn gây ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của người dân. Đây là trận tuyết rơi thứ ba kể từ đầu năm đến nay và là trận mưa tuyết lớn chưa từng thấy ở Tokyo trong nhiều năm qua.  

Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết đới không khí lạnh ở rìa phía Nam Nhật Bản di chuyển theo hướng Đông-Đông Bắc khiến nhiệt độ không khí giảm đột ngột, làm phát sinh mưa tuyết trên diện rộng. Từ sáng sớm nay, trung tâm thủ đô Tokyo bắt đầu xuất hiện mưa tuyết. Đến trưa cùng ngày, tuyết rơi dày đặc, bao phủ một diện rộng.

Tuyết phủ trắng trên cây tại công viên ở Tokyo ngày 14/2. Ảnh: AFP-TTXVN


Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ các tuyến đường bộ bị đóng băng và giao thông hỗn loạn. Thời tiết lạnh khắc nghiệt cùng với gió mạnh đã khiến gần 10.000 hộ gia đình tại các thành phố và thị trấn của huyện Oita và Miyazaki ở đảo Kyushu mất điện. 

Hiện tại, tuyết đã rơi trên phạm vi lớn trên Thái Bình Dương. Dự báo tuyết sẽ tiếp tục rơi trong hai ngày 15 và 16/2. Từ trung tâm là vùng núi ven Thái Bình Dương, cơ quan chức năng dự báo mưa tuyết lớn có thể bao phủ cả vùng đồng bằng ven biển. 

Cùng ngày, giới chức Trung Quốc cho biết hơn 58.000 người đã bị ảnh hưởng trong trận động đất mạnh 7,3 độ ríchte làm rung chuyển khu vực Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc. 

Theo số liệu của cơ quan chức năng địa phương, cơn địa chấn vào chiều 12/2 đã ảnh hưởng đến 58.127 người tại 6 huyện ở địa khu Hòa Điền (Hotan), với 19.905 người phải sơ tán đến nơi an toàn.

Động đất làm đổ 3.281 ngôi nhà, làm hư hại 30.322 tài sản khác và khiến 2.163 vật nuôi chết tổng thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 271,6 triệu nhân dân tệ (44,5 triệu USD). Tuy nhiên, không có tổn thất về người và công tác cứu hộ đang được tiến hành. 

Cũng trong sáng 14/2, sương mù đã bao phủ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và cơ quan dự báo thời tiết thành phố đã khuyến cáo người dân không nên đốt pháo hoa trong Lễ hội đèn lồng. Theo trang mạng của Trung tâm kiểm soát môi trường thành phố Bắc Kinh, lúc 9h giờ địa phương, chỉ số chất lượng không khí đo được tại các nhà ga thành phố Bắc Kinh ở cấp 5, khoảng 246-287, là mức ô nhiễm nghiêm trọng.  

Trong khi đó, đã có 2 người thiệt mạng và hơn 100.000 người phải sơ tán, nhiều chuyến bay trong nước và quốc tế phải chuyển hướng, 3 sân bay quốc tế phải đóng cửa do núi lửa Kelud phun trào tại Đông Java, Indonesia.  

Bộ Giao thông Indonesia đã cho đóng cửa sân bay Juanda tại thủ phủ Surabaya của tỉnh Đông Java, sân bay Adi Sucipto tại Yogyakarta và Adi Sumarmo tại Solo, đồng thời đưa ra cảnh báo đối với các chuyến bay do tro bụi núi lửa có thể làm hỏng động cơ máy bay. Đây là đợt phun trào núi lửa mạnh nhất trong những năm gần đây tại Indonesia. 

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã chủ trì một cuộc họp nội các trong ngày 14/2 để thảo luận và phối hợp các nỗ lực nhằm giải quyết các nguy cơ thảm họa tại nước này. Hiện Indonesia đang phải hứng chịu các trận cháy rừng tại Sumatra và đảo Borneo và có nguy cơ lan sang các nước láng giềng ở Đông Nam Á do thời tiết khô hanh.


TTXVN/Tin tức      
  
Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD do thiên tai năm 2013
Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD do thiên tai năm 2013

Cơ quan khí quyển và hải dương quốc gia Mỹ (NOAA) ngày 15/1 cho hay trong năm 2013 nước này đã trải qua 7 đợt thiên tai lớn, thiệt hại mỗi vụ là trên 1 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN