Tổng Tham mưu trưởng quân đội Hulusi Akar (thứ 2, bên phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) trong chuyến thăm các binh sĩ ở Sirnak ngày 24/6. Ảnh: EPA/TTXVN |
Trong phát biểu của mình, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh rằng thay vì chỉ trích, những nước phương Tây này nên bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh trước việc Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã có những động thái kịp thời dập tắt được cuộc đảo chính quân sự bất thành cách đây hai tuần.
Ông cũng tuyên bố số người bị bắt giữ sẽ còn tăng nếu chính quyền Ankara phát hiện thêm nhiều người ủng hộ âm mưu đảo chính này.
Được biết sau cuộc đảo chính quân sự bất thành đêm 15/7, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải cải tổ mạnh mẽ bộ máy quân sự sau quyết định của Tổng thống Erdogan sa thải gần 1.700 sĩ quan quân đội các cấp.
Ngoài ra, Chính quyền của Tổng thống Erdogan còn sa thải hàng chục nghìn cảnh sát, hiến binh, thẩm phán, công tố viên… tình nghi liên quan đến vụ đảo chính. Ankara cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 3 tháng nhằm truy quyét các đối tượng tình nghi ủng hộ phe đảo chính.
Hiện Ankara cáo buộc Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành vừa qua.
Cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết nước này sẽ đóng cửa một căn cứ không quân gần Thủ đô Ankara cũng như tất cả các doanh trại quân sự đã từng được binh lính tham gia vụ đảo chính bất thành cách đây hai tuần sử dụng.
Trong một diễn biến khác cùng ngày 29/7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết ông lấy làm tiếc khi người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ cho rằng việc thanh lọc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7 đã ảnh hưởng tới cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Lời đáp của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra vài ngày sau khi Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ James Clapper tuyên bố cuộc thanh lọc lực lượng trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng tới sự hợp tác giữa hai nước này trong cuộc chiến chống IS.
Ngoài việc khẳng định không ảnh hưởng tới cuộc chiến chống IS, ông Cavusoglu còn tuyên bố rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trở nên đáng tin cậy và hoạt động hiệu quả hơn sau khi thanh lọc các quân nhân tham gia cuộc đảo chính bất thành.
Với đường biên giới dài với Syria và Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng đối với liên quân do Mỹ đứng đầu chống IS. Hiện các cuộc không kích của liên quân đang phải tạm hoãn do những tác động từ cuộc đảo chính bất thành vừa qua.
Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải cải tổ mạnh mẽ bộ máy quân sự sau quyết định của Tổng thống T ayyip Erdogan sa thải gần 1.700 sĩ quan quân đội các cấp sau vụ binh biến. Ngoài quân đội, chính quyền của Tổng thống Erdogan còn sa thải hàng chục nghìn cảnh sát, hiến binh, thẩm phán, công tố viên... tình nghi liên quan đến vụ việc này.