Hãng tin RBK của Nga đưa tin hôm 6/3, lần đầu tiên hải quan Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối thông quan hàng hóa quá cảnh, có nguồn gốc không phải từ Thổ Nhĩ Kỳ, đến Nga.
Các báo cáo cho biết hàng hoá có nguồn gốc từ cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng đã bị chặn lại. Trong khi đó, những lô hàng có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc hàng hoá không nằm trong danh sách trừng phạt, vẫn được thông quan, vận chuyển mà không gặp vấn đề gì.
Dẫn thông tin từ một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ, hãng tin Bloomberg cũng cho hay Ankara đã yêu cầu ngừng vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt qua nước này bắt đầu từ ngày 1/3, nhằm tuân thủ lệnh trừng phạt của EU đối với Nga.
Bà Ekaterina Lazutkina, đồng sở hữu Vendor Cargo - công ty vận chuyển hàng hoá và thủ tục hải quan có trụ sở tại Moskva - cho biết: “Hệ thống thông quan hàng hóa ở Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng hoạt động”. Bà nói rằng hệ thống hải quan đang chặn hàng hóa đến Nga.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa bình luận về thông tin trên.
Ngày 10/3, Đại sứ quán Nga tại Ankara cho biết các nhà ngoại giao của Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ đang điều tra nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ việc vận chuyển hàng hoá đến nước này.
“Hiện tại, đại sứ quán và cơ quan thương mại đang làm việc để làm rõ hoàn cảnh và lý do dẫn đến những khó khăn trong quá trình xử lý các giao dịch thương mại của một số công ty Nga”, dịch vụ báo chí của Đại sứ quán cho biết.
Theo các nhà phân tích, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là do lệnh trừng phạt mới nhất của EU đối với Moskva. Trong gói trừng phạt thứ 10 vừa công bố vào tháng trước, Brussels đã cấm xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng sang Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên minh Hải quan châu Âu (ECU). Theo quy định của liên minh, việc thông quan hàng hoá phải diễn ra theo quy định của EU. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Brussels.Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và không đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào về việc chặn hàng hóa quá cảnh đến quốc gia này.
Ngày 1/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng Ankara sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga dưới áp lực từ bên ngoài.
Song một số nhà phân tích nhận định động thái trên là kết quả chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới nước này. Washington từ lâu đã gây áp lực buộc Ankara phải “giữ khoảng cách” với Nga, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ vì vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Mặt khác, một số chuyên gia cho rằng vấn đề kỹ thuật có thể là nguyên nhân. Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng hệ thống quản lý tài liệu điện tử của EU cho các hoạt động quá cảnh. Gần đây, hê thống này đã được cập nhật theo các lệnh trừng phạt mới. Và có thể, bản cập nhật này đã gây ra sự cố với việc thông quan hàng hóa.
Kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát, Thổ Nhĩ Kỳ được biết đến là thiên đường mới cho các nhà tài phiệt Nga, và là trung tâm cung ứng hàng hóa nhờ mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đã tăng lên 9,3 tỷ USD vào năm 2022 từ 5,8 tỷ USD một năm trước đó.