Một nguồn tin giấu tên từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Hiện tại, cùng với Liên hợp quốc, chúng tôi đang đàm phán với các nước phương Tây, chủ yếu là với Mỹ và Anh, để tháo gỡ những rào cản trong giao dịch tài chính khi các sản phẩm của Nga tiếp cận thị trường thế giới. Quá trình đàm phán rất khó khăn song vẫn sẽ tiếp tục”.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã được gia hạn đến ngày 17/7 mà không có bất kỳ thay đổi nào, nhưng nếu tất cả các vướng mắc của thỏa thuận không được giải quyết trong hai tháng, nó sẽ bị chấm dứt sau ngày 17/7.
Bộ này nói thêm rằng có 5 nhiệm vụ "mang tính hệ thống" cần được giải quyết trong khuôn khổ bản ghi nhớ Nga-Liên hợp quốc, bao gồm việc kết nối lại Ngân hàng Nông nghiệp Nga với hệ thống SWIFT và giải phóng tài sản của các công ty Nga.
Thỏa thuận ngũ cốc được Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7/2022 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine từ các cảng Biển Đen trong thời gian xung đột nổ ra. Thỏa thuận trọn gói cũng bao gồm một bản ghi nhớ giữa Nga và Liên hợp quốc nhằm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga qua Biển Đen, mà theo Moskva, đã không được thực hiện do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Liên quan vấn đề này, mới đây nhất, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cũng ủng hộ việc mở rộng và gia hạn thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Đây là tuyên bố chung của G7 về vấn đề Ukraine, được đưa ra ngày 19/5 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản.
Theo hãng tin TASS, tuyên bố nêu rõ G7 ủng hộ việc mở rộng và gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine.