Trong thông báo trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), ông Koca cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang thảo luận với Bộ Y tế Ai Cập và giới chức y tế Palestine về kế hoạch thành lập 20 bệnh viện dã chiến tại sân bay El Arish ở khu vực gần cửa khẩu Rafah của Ai Cập. Kế hoạch này sẽ được triển khai nếu được sự cấp phép của Ai Cập và tình hình an ninh được đảm bảo.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng nghìn người dân Palestine đang cần được điều trị y tế. Tuy nhiên, hiện nhiều bệnh viện ở Gaza, vốn đang trong tình trạng quá tải, có nguy cơ phải ngừng hoạt động do nguồn cung cấp nhiên liệu cạn kiệt.
Kể từ khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas kiểm soát Dải Gaza leo thang từ ngày 7/10 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều máy bay chở thuốc men và hàng viện trợ tới sân bay El Arish của Ai Cập để đưa vào Gaza. Nước này cũng đang lên kế hoạch điều một tàu biển có công năng như một bệnh viện đến Gaza.
Theo cơ quan y tế của Dải Gaza, kể từ khi xung đột bùng phát đến ngày 1/11, ít nhất 8.796 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có 3.648 trẻ em. Phía Israel không công bố số liệu thương vong trong nhiều ngày qua sau khi thông báo hơn 1.400 người thiệt mạng từ tuần trước đó.
Cùng ngày 1/11, Chính phủ Thụy Sĩ cho biết sẽ đề nghị Quốc hội cấp bổ sung khoảng 90 triệu franc (99,04 triệu USD) cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo ở khu vực Trung Đông.
Phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn thông báo của Chính phủ Thụy Sĩ cho biết khoản ngân sách bổ sung chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (ICRC), Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế phi chính phủ (NGO) cung cấp viện trợ cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang. Thông báo của Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ nêu rõ: “Xung đột vũ trang gây ra hậu quả rất nghiêm trọng ở khu vực Trung Đông”.