Tờ Finacial Times đưa tin Ankara đã lên tiếng phản đối tuyến hành lang kinh tế kết nối Ấn Độ với châu Âu được đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Theo đó, Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC) sẽ vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ qua Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Jordan và Israel để đến các thị trường châu Âu. Được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn, IMEC là đối thủ của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. IMEC hoàn toàn không đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu sau hội nghị G20, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng hành lang mới không thể được triển khai nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà lãnh đạo trên đồng thời khẳng định con đường thương mại thích hợp nhất từ Đông sang Tây phải đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuần qua, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã liên tục lặp lại quan điểm trên, khi tuyên bố rằng giới chuyên gia nghi ngờ về mục tiêu chính của IMEC thay vì là tính hợp lý và hiệu quả kinh tế.
“Một con đường thương mại không chỉ mang ý nghĩa là nơi gặp gỡ buôn bán. Nó cũng phản ánh sự cạnh tranh địa chiến lược”, Ngoại trưởng Fidan nói khi trả lời câu hỏi của Financial Times.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn nhấn mạnh vai trò là cầu nối giữa Đông và Tây - một truyền thống lịch sử tồn tại từ nhiều thế kỷ trước.
Thay vì IMEC, Ankara đã đề xuất một giải pháp thay thế gọi là Sáng kiến Con đường Phát triển Iraq. Trong dó, ông Fidan khẳng định Ankara đang tiến hành đàm phán chuyên sâu với Iraq, Qatar và UAE về một dự án sẽ được thực hiện trong vòng vài tháng tới.
Theo sơ đồ do chính phủ Baghdad công bố, tuyến đường trị giá 17 tỷ USD do Ankara ủng hộ sẽ đưa hàng hóa từ cảng Grand Faw ở miền Nam qua 10 tỉnh của Iraq và đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Kế hoạch này sử dụng 1.200km đường sắt cao tốc và mạng lưới đường bộ song song. Kế hoạch gồm ba giai đoạn, với mục tiêu hoàn thành lần đầu tiên vào năm 2028 và giai đoạn cuối cùng vào năm 2050.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng có những lo ngại về tính khả thi của dự án đó trên cơ sở tài chính và an ninh.
Ông Emre Peker, Giám đốc khu vực châu Âu của nhóm nghiên cứu Eurasia Group, đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ thiếu nguồn tài chính để hiện thực hóa toàn bộ phạm vi của dự án và dường như phải trông cậy vào sự hỗ trợ của UAE và Qatar để xây dựng cơ sở hạ tầng theo đề xuất. Để điều đó xảy ra, các quốc gia vùng Vịnh cần được chứng minh về lợi tức đầu tư tốt, song điều đó chưa thể hiện rõ ràng tại Sáng kiến Con đường Phát triển Iraq.
Mặt khác, chuyên gia Peker tin rằng các vấn đề về an ninh và ổn định trong khu vực cũng đe dọa đến quá trình xây dựng và tính khả thi lâu dài của dự án.
Iraq đang bị tàn phá bởi nạn tham nhũng, cơ sở hạ tầng xuống cấp và bất ổn chính trị thường xuyên. Hiện cũng chưa rõ Iraq sẽ tài trợ cho dự án như thế nào.
Các nhà phân tích và nhà ngoại giao phương Tây cũng lưu ý rằng hành lang được đề xuất tại hội nghị G20 cũng cần nhiều thập kỷ để hình thành.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách vượt qua đường ranh giới chiến lược giữa Tây và Đông bằng cách cố gắng duy trì mối quan hệ bền chặt với Mỹ và EU, cũng như với Nga và Trung Quốc. Cách tiếp cận này đôi khi gây ra căng thẳng với phương Tây. Ví dụ, trong tuần này, hai công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ vì bị cáo buộc hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Ông Emre Peker nói thêm rằng Ankara nhìn chung ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhưng vai trò của Ankara trong kế hoạch này còn hạn chế. Theo nghiên cứu gần đây của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, Bắc Kinh đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Vành đai và Con đường, chỉ chiếm 1,3% tổng số đầu tư.
Giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại Murat Yesiltas tại tổ chức tư vấn Seta cho rằng bất chấp đề xuất thay thế, Ankara vẫn có thể thúc đẩy tham gia sáng kiến Ấn Độ-Trung Đông.
Tổng thống Erdogan có thể nêu rõ quan điểm của mình, nếu ông gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần này.
Ông Yesiltas cho biết ngoài việc khẳng định vị trí địa lý thuận lợi cho thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ, nước này cũng có thể tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực, đặc biệt là sau khi mối quan hệ Saudi Arabia và UAE trở nên nồng ấm hơn gần đây.
Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ có tầm ảnh hưởng chính trị đáng kể trong khu vực, cũng như có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán thương mại và giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia tham gia hành lang.