Theo tổ hợp truyền thông BBC (Anh) và hãng tin RT (Nga), sau nhiều tuần căng thẳng chính trị, cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận với Thụy Điển và Phần Lan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan ngày 28/6 tuyên bố Ankara chấm dứt phản đối việc hai nước Bắc Âu này gia nhập NATO.
Ba nước đã đạt được thỏa thuận trên sau một cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid (Tây Ban Nha).
Theo một thông cáo báo chí của NATO, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde đã ký một bản ghi nhớ trước sự chứng kiến của lãnh đạo ba nước và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Tổng thư ký Stoltenberg cho biết Thụy Điển và Phần Lan sẽ trở thành quan sát viên tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO. Ông nói thêm bản ghi nhớ bao gồm các điều khoản về chống khủng bố và xuất khẩu vũ khí.
Trong một thông báo, Tổng thống Erdogan khẳng định Ankara "đã có điều mà nước này cần". Ông nhấn mạnh: "Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được những kết quả quan trọng trong cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố".
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ca ngợi nước này có "một thỏa thuận rất tốt" với Thổ Nhĩ Kỳ. Trả lời trong cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Magdalena Andersson nói: "Tôi nghĩ đây là một thỏa thuận mà tôi ủng hộ hoàn toàn".
Về phần mình, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một biên bản ghi nhớ với nước này cùng Thụy Điển, trong đó Ankara ủng hộ hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO. Ông Niinisto tuyên bố nước này phản đối chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và sẽ tuân thủ các chính sách của NATO.
Trước đó, Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông İbrahim Kalın, cho biết nước này và NATO, Thụy Điển, Phần Lan đã tổ chức cuộc họp 4 bên ngày 28/6 bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid.
“Theo đề nghị của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, một hội nghị thượng đỉnh 4 bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, NATO, Thụy Điển và Phần Lan được tổ chức với sự tham dự của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan. Hội nghị thượng đỉnh này này diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO”, ông Kalın nêu rõ.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) đã lên tiếng hoan nghênh việc các nước đạt được thỏa thuận mở đường cho Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên của NATO.
Tháng trước, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO. Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ ý kiến phản đối, cho rằng Thụy Điển và Phần Lan chứa chấp các đối tượng có liên quan tới nhóm chiến binh của PKK và những nhân vật ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính hồi năm 2016 nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu Phần Lan bàn giao các nghi phạm khủng bố - đây là yêu cầu mà Ngoại trưởng Haavisto cho là chỉ có thể được thực hiện nếu nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật được tôn trọng.
Theo Hiến chương NATO, đơn xin gia nhập liên minh phải nhận được sự tán thành của tất cả 30 nước thành viên của khối. Do vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ giúp Thụy Điển và Phần Lan gần như không còn trở ngại lớn nào trên con đường gia nhập liên minh quân sự này.
Stockholm and Helsinki từng áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2019, liên quan tới sự kiện Ankara can thiệp vào tình hình tại Syria. Ankara cũng yêu cầu hai nước này đóng cửa các văn phòng, phong tỏa tài sản liên quan tới các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, như Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) hay FETO, đồng thời cấm những tổ chức này xuất hiện công khai.